Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Di tích Ân Khư của Trung Quốc là Di sản văn hóa thế giới năm 2006.
Ẩn Khư ( Yin Xu) có nghĩa là "đống đổ nát của nhà Ân" là di tích của kinh đô nhà Thương (Ân), Trung Quốc. Ân Khư nằm tại trung tâm của tỉnh Hà Nam cách thành phố Bắc Kinh khoảng 500km, trên địa điểm của thành phố An Dương ngày nay. Theo một số tài liệu thì Ân Khư là kinh đô cuối cùng của nhà Thương (1600 đến 1046 trước Công nguyên). Khu vực này đã từng là trung tâm văn hóa và tâm linh của thời kỳ cuối nhà Thương.
Khu di tích Ân Khư nằm trên hai bờ sông phía tây thành phố. Di tích này được chia thành 02 khu vực là Cung điện Hoàng gia và khu vực lăng tẩm. Tổng diện tích cả khu vực là 414 héc ta, vùng đệm bao quanh là 720 héc ta. Trong suốt 255 năm tồn tại dưới sự trị vì của 12 vị vua, Ân Khư đã thực sự thịnh vượng và đạt được nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật và khoa học.
Toàn cảnh khu di tích Ẩn Khư được chia thành 02 phần riêng biệt, khu vực cung điện Hoàng gia và khu vực lăng tẩm.
Khu vực lăng tẩm thời kỳ huy hoang của nhà Thương nay đã không còn nhưng tại khu vực lăng tẩm, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều ngôi mộ cổ trong đó có những ngôi mộ có độ sâu hơn 18 mét. Đa phần các ngôi mộ được xây dựng tại đây là của quan lại, ngôi mộ duy nhất của Hoàng gia được tìm thấy là ngôi mộ của Hoàng hậu Phụ Hảo, vợ vua Vũ Đinh. Đây cũng là ngôi mộ cổ nhất được tìm thấy tại khu di tích này. Phụ Hảo là vợ của vị vua thứ 12 nhà Thương. Ngôi mộ được phát hiện trong tình hình khá nguyên trạng. Ngôi mộ có 06 bộ xương chó, ít nhất 16 bộ xương người bên cạnh xương của Phụ Hảo. Những bộ xương này được cho là những người hầu cận thân tín được chôn theo để phục vụ vợ vua Vũ Đinh. Ngoài ra còn có 440 hiện vật bằng đồng, gần 600 miếng ngọc, đá và xương được chạm khắc với khoảng hơn 7000 đồng tiền vỏ sò – loại tiền dùng thời kỳ đó. Những phụ kiện được tìm thấy tại ngôi mộ đã cho thấy trình độ tiến tiến của ngành mỹ nghệ thủ công của nhà Thường từ mấy nghìn năm về trước.
Khu di tích Ân Khư còn nổi tiếng bởi các nhà khảo cổ đã tìm được xương và mai rùa với những chữ viết khắc trên đó. Khoa học gọi những chữ viết khắc trên xương, mai rùa là Giáp cốt văn. Giáp cốt văn là khởi nguồn của chữ Hán và văn viết chữ Hán. Tại đây, các nhà khảo cổ đã khai quật được hơn 160.000 mảnh giáp cốt, 1000 hiện vật bằng đồng xanh. Từ những hiện vật đó, các học giả đã tổng kết được khoảng 4.500 đơn tự trong đó có khoảng 3.000 mẫu có thể đọc và hiều được, 1.500 chữ được đa số các học giả thống nhất về ngữ nghĩa.
Những mảnh giáp cốt khai quật được tại Ân Khư có giá trị lịch sử vô cùng to lớn và là minh chững cho sự phát triển của con người từ hàng nghìn năm trước. Đây là hệ thống chữ viết, ngôn ngữ cổ xưa nhất được tìm thấy tính đến nay.
Nội dung tóm lược được từ những mảnh giáp cốt đó nói về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của nhà Thương trong quá trình hình thành, phát triển.
Khu di tích này được phát hiện năm 1928 khi mà các chuyên gia, các nhà khảo cổ học của Viện Lịch sử và Triết học Trung Quốc thực hiện 15 cuộc khai quật khảo cổ với quy mô lớn tại Ân Khư. 15 cuộc khai quật đã được thực hiện trong suốt gần 10 năm từ năm 1928 đến năm 1937. Kết quả của cuộc khai quật dần dần được phát hiện khi những dấu tích về cung điện, đền thờ của nhà Thương lộ diện. Năm 1995, thành phố An Dương quyết định thành lập Cục Quản lý Khu di tích Ân Khư để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa này.
Một số hiện vật và cổ vật khác khai quật được tại di chỉ khảo cổ Ẩn Khư được trưng bày trong bảo tàng
Khu di sản Ẩn Khư được Unesco công nhận theo các tiêu chí (ii), (iii), (iv), (vi).
Tiêu chí (ii): Ân Khư là kinh đô của triều đại nhà Thương, kinh đô này thể hiện sự trao đổi ảnh hưởng quan trọng trong nền văn hóa thời kỳ đồ đồng của Trung Quốc.
Tiêu chí (iii): Những cổ vật tìm thấy được tại Ân Khư là minh chứng rõ nét cho truyền thống văn hóa của nhà Thương. Đồng thời là minh chứng cho những thành tựu khoa học, kỹ thuật của con người thời kỳ đó.
Tiêu chí (iv): Các cung điện và lăng mộ tại Ân Khư còn là những ví dụ nổi bật trong thiết kế kiến trúc Trung Quốc với những kiến trúc cung điện, lăng mộ hoàng gia chuẩn mực.
Tiêu chí (vi): Những chữ viết trên xương và mai rùa là hệ thống chữ viết và ngôn ngữ cổ xưa nhất. Đây là bằng chứng cho sự vượt trội của người Trung Quốc.