Cái tên gan nhiễm mỡ làm người ta nghĩ ngay đến chứng béo phì hoặc chế độ ăn giàu chất bổ béo. Thực ra, tình trạng thiêu chất cũng gây nên bệnh này.
Hình ảnh mặt cắt gan nhiễm mỡ xuất hiện các đốm trắng. (Ảnh: SK & ĐS) |
Cơ thể ở trong tình trạng đói lâu ngày (thường gặp ở người ăn kiêng quá mức) sẽ làm cho lượng đường trong máu quá thấp, chức năng kích thích hấp thu của hệ thần kinh giao cảm tăng, phân giải mỡ thành năng lượng cung cấp cho cơ thể. Khi phân giải mỡ, lượng axid béo đi vào trong máu quá nhiều làm axid béo tự do trong máu tăng, dẫn đến tích trữ mỡ trong gan.
Cơ thể thiếu protein trong thời gian dài sẽ làm trở ngại cho việc hình thành của apoprotein, mỡ trong máu không thể chuyển hóa kịp thời, dẫn đến mỡ trong máu tăng - điều kiện quan trọng để hình thành gan nhiễm mỡ.
Sự thiếu hụt loại vitamin, muối vô cơ... cũng làm trở ngại quá trình chuyển hóa chất béo, gây ra gan nhiễm mỡ. Việc cung cấp chất dinh dưỡng không đều cũng làm thiếu hụt hàm lượng acid amin của protein vận chuyển mỡ, nên cơ thể không kịp thời di chuyển triglycerid trong tế bào gan, dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ đa số là mạn tính, mức độ nhẹ có thể không có triệu chứng lâm sàng. Ở mức độ vừa hay nặng thì có những biểu hiện như: chán ăn, buồn nôn, nôn, trướng bụng. Một số người còn có biểu hiện thiếu vitamin gây viêm đầu dây thần kinh, viêm mép môi, chấm bầm ở da, sừng hóa da, móng, tóc... Những người ở thể nặng còn bị chứng vàng da, cổ trướng. Nếu không có các biện pháp điều trị sẽ dẫn đến các biến chứng như xơ gan, ung thư gan.
Khi xác định được nguyên nhân gan nhiễm mỡ do thiếu dinh dưỡng, các bác sĩ sẽ căn cứ vào các mức độ nhẹ, trung bình và nặng để có chế độ điều trị phù hợp. Mức độ nhẹ và vừa thường điều trị bằng ăn uống, đồng thời tiêm thuốc vào tĩnh mạch. Về ăn uống, nên theo nguyên tắc hấp thu nhiều năng lượng, protein, vitamin và chất xơ.
Do thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài, chức năng của hệ thống tiêu hóa giảm nên khi bổ sung dinh dưỡng từ thực vật, phải tùy theo khả năng hấp thu của cơ thể. Khi cần thiết, có thể bổ sung enzym tiêu hóa, như uống insulinase. Khi bổ sung nhiều protein, nên chú ý chất lượng của protein, có thể ăn nhiều thịt, cá, thịt bò, thịt dê, các loại trứng.
Nên tránh hấp thu quá nhiều mỡ. Chỉ bổ sung lượng cần thiết trong cơ thể. Những người thiếu dinh dưỡng ở mức độ nặng, khả năng hấp thu và chức năng tiêu hóa kém, trước tiên phải ăn ít chất béo, sau khi chức năng tiêu hóa trở lại bình thường mới tăng. Ngoài ra, căn cứ vào bệnh tình, có thể điều trị bằng những thành phần dinh dưỡng như truyền tĩnh mạch acid amin, vitamin...
Để phòng bệnh, không nên ăn chuyên một loại thức ăn nào đó để phòng ngừa thiếu dinh dưỡng. Không nên nhịn ăn giảm béo một cách mù quáng, vì dễ dẫn đến chán ăn, điều kiện để hình thành bệnh gan nhiễm mỡ. Muốn giảm béo khoa học phải kết hợp giữa ăn uống với vận động thích hợp để giảm mỡ dần dần, nếu mỗi tháng giảm 5 kg thì nguy cơ gan nhiễm mỡ là rất lớn.
Đối với những người bị viêm loét hệ thống tiêu hóa, mất trí, bệnh tiêu hóa mạn tính..., nên tích cực điều trị kịp thời, điều chỉnh dinh dưỡng, không nên để suy dinh dưỡng hay mất cân đối về mặt ăn uống mà gây nên gan nhiễm mỡ. Cần đặc biệt chú ý đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ khi cai sữa, khi đó phải bổ sung nhiều chất cho trẻ, đặc biệt là protein.
BS. Trần Quốc Minh