Anh đang muốn chỉnh sửa một số điều khoản của luật bảo vệ dữ liệu để có thể chia sẻ thông tin cá nhân của công dân với các cơ quan chính phủ khác. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt vì bị cho rằng là nhằm hướng tới "người anh cả" Mỹ.
Theo đề xuất mới của chính phủ Anh, công dân nước này sẽ được hỏi ý kiến trước khi dữ liệu của họ được chia sẻ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, theo như luật pháp nước này quy định, các cơ quan chính phủ không thể chia sẻ thông tin cá nhân của người dân.
Lý do mà chính phủ Anh đưa ra là nhằm cải thiện các dịch vụ của chính phủ, và tránh cho người dân phải khai báo các thông tin cá nhân tương tự với nhiều cơ quan quản lý khác nhau.
Tại Anh, vấn đề tự do cá nhân là rất nhạy cảm bởi chính phủ đang duy trì một loạt các dự án IT liên quan tới dịch vụ y tế quốc gia, kiểm tra biên giới và thẻ ID quốc gia. Vấn đề khiến người ta lo ngại là những dữ liệu này sẽ được lưu trữ thế nào, ai có quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu dạng này, và chúng sẽ được bảo vệ như thế nào.
Luật bảo vệ dữ liệu tại Anh đã có từ hàng thập kỷ qua để bảo vệ người dân trước sự lạm dụng về mặt thông tin của các cơ quan chính phủ. Việc chính phủ nước này có kế hoạch tạo ra một "siêu cơ sở dữ liệu" chứa tất cả các thông tin cá nhân khiến nhiều người lo ngại rằng sẽ có nhiều rủi ro hơn.
Ngày 15/1, chính phủ Anh đã thực hiện một cuộc tham khảo ý kiến 100 người về những điều chỉnh mới liên quan tới luật bảo vệ dữ liệu. Những ý kiến phản hồi sẽ được báo cáo lên nội các Thủ tướng Tony Blair vào đầu tháng 3 tới.