Nọc độc của nhện có khả năng điều trị động kinh và đường ruột, còn nọc độc ong bắp cày có thể ức chế tăng sinh tế bào ung thư.
Theo các nhà khoa học, những loài côn trùng vẫn luôn tương tác với cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Ví dụ như bướm có thể nếm vị bằng chân, nhện nghe thông qua những sợi lông nhỏ ở chân, con sâu khi bị cắt đôi vẫn có thể tự tái tạo vết thương trở thành đuôi mới.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về những loài này và nhận ra ba loài có đóng góp quan trọng cho nền y học của con người.
Hội chứng ruột kích thích (IBS) bao gồm các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón, đau bụng, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người. Khoảng 11% dân số thế giới đang sống chung với IBS. Năm 2016, các nhà nghiên cứu từ Đại học Adelaide (Australia), John Hopkins (Mỹ) và các tổ chức khác, đã phát hiện nọc độc của nhện có khả năng điều trị những cơn đau liên quan đến IBS.
Nọc độc của nhện có tác dụng điều trị bệnh về đường ruột và động kinh.
Loài nhện Tarantula, Heteroscodra maculation, mang độc chất có thể kích thích protein ở ruột người. Khám phá này của các nhà khoa học đã mở ra những phương pháp điều trị mới cho con người. Năm 2018, các thành viên của nhóm nghiên cứu đã tìm ra cách chặn cơn đau do IBS khi thử nghiệm trên chuột. Nọc độc nhện còn có khả năng kích hoạt chọn lọc các thụ thể trong những con chuột mắc hội chứng Dravet, một dạng bệnh động kinh nguy hiểm.
Giáo sư Steven Petrou, tác giả nghiên cứu cho biết nhện giết con mồi thông qua các hợp chất từ nọc độc nhắm vào thần kinh. Phát hiện này có thể tạo tiền đề nghiên cứu một phương pháp mới điều trị động kinh.
Giáo sư Jessica Garb, Đại học Massachusetts Lowell, đã dành nhiều năm nghiên cứu về tơ nhện. Bà cho biết tơ nhện có thể trở thành một loại chất liệu dẻo dai để bọc ngoài các thiết bị y tế, làm tay chân giả, băng và chỉ khâu, thậm chí có thể là dụng cụ thể thao.
Theo nghiên cứu từ Đại học Nottingham (Anh), não của gián và cào cào chứa nhiều phân tử có thể tiêu diệt vi khuẩn. Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên gián Mỹ và hai loài châu chấu khác. Simon Lee, một trong những nhà nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi hy vọng có thể phát triển những phân tử này thành phương pháp điều trị các bệnh nhiễm trùng Escherichia coli và MRSA - một loại vi khuẩn kháng kháng sinh".
Phương pháp mới này có thể thay thế cho những loại thuốc hiện tại mà không mang lại tác dụng phụ nghiêm trọng.
Gián có thể tự sản xuất sữa, là nguồn cảm hứng để các nhà khoa học nghiên cứu chế sữa nhân tạo.
Ngoài ra, gián còn là nguồn protein dồi dào, có khả năng sản xuất một dạng sữa tự nuôi sống khi nhỏ. Giáo sư Subramanian Ramaswamy, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết loại sữa này giúp hình thành các tinh thể protein trong ruột của con người. Không chỉ thế, các nhà nghiên cứu đang tìm cách sản xuất sữa nhân tạo từ cơ chế sữa gián.
Ong bắp cày đốt người có thể gây ngộ độc, nguy hiểm tính mạng nếu tình trạng nặng. Thế nhưng, các nghiên cứu cho thấy hợp chất peptide - một dạng axit amin ở dạng chuỗi ngắn xây dựng nên hệ thống protein, trong nọc ong bắp cày có thể ứng dụng trong y sinh.
Ong bắp cày chứa hợp chất peptide - một dạng axit amin ở dạng chuỗi ngắn có chức năng xây dựng hệ thống protein.
Một loại mastoparan tên là Polybia paulista trong nọc ong bắp cày, có khả năng ức chế tăng sinh của tế bào ung thư bàng quang và tuyến tiền liệt.