Chuyên gia địa chất phát hiện cấu trúc khổng lồ bị chôn vùi ở dưới miền Nam bang New South Wales của Úc. Đây có thể là dấu vết của vật thể ngoài hành tinh từng ghé thăm Trái đất.
Theo tờ The Conversation, nhà địa chất Andrew Glikson tại Trường Khảo cổ và nhân chủng học của ĐH Quốc gia Úc (ANU) và các cộng sự công bố về cấu trúc mới mang tên Deniliquin. Đây là nghiên cứu mới của vị chuyên gia này và đồng nghiệp Tony Yeates.
Các chuyên gia ước tính cấu trúc Deniliquin có đường kính lên tới 520km. Con số này vượt xa so với kích thước của cấu trúc va chạm giữ kỷ lục thế giới Vredefort ở Nam Phi, với đường kính gần 300 km. Nó cũng vượt xa kích thước của hố va do tiểu hành tinh Chicxulub (gấp gần 3 lần) - thứ đã dẫn đến sự tuyệt chủng của loài khủng long.
Trong quá khứ, lục địa Úc và lục địa tiền thân là siêu lục địa Gondwana là mục tiêu của nhiều vụ va chạm với các tiểu hành tinh. Theo các chuyên gia, Deniliquin nằm bên dưới bang New South Wales của Úc sau một quãng thời gian dài bị chôn vùi theo thời gian bởi quá trình xói mòn, các mảng kiến tạo...
Hình ảnh mô phỏng vụ va chạm giữa tiểu hành tinh và Trái đất. (Ảnh: iStock).
Tuy nhiên, nghiên cứu của chuyên gia địa chất dựa trên các mô hình từ tính bên dưới lưu vực sông Murray ở New South Wales lại để lộ một thứ bất thường mang hình dạng của một cấu trúc va chạm khổng lồ bị chôn vùi bên dưới.
Một phân tích về dữ liệu địa vật lý trong khu vực này được thu thập từ năm 2015 – 220 đã xác định sự tồn tại của cấu trúc va chạm có đường kính 520 km, nơi có biến dạng ở độ sâu 30 km phía trên của một mái vòm lớp phủ.
Hơn nữa, các phép đo từ tính chỉ ra bằng chứng về các vết đứt gãy tỏa ra từ tâm của một cấu trúc chịu va chạm lớn. Thông qua các dị thường từ tính, các chuyên gia phát hiện magma phun vào các vết nứt ẩn sâu dưới lòng đất cũng lộ diện.
Sau khi phân tích các dữ liệu, tiến sĩ Andrew Glikson và cộng sự ước tính cấu trúc Deniliquin có khả năng được tạo ra ở phía đông Gondwana vào cuối kỷ Ordovic. (Ảnh: The Conversation)
Những dấu hiệu trên tương tự với gì dẫn đến việc phát hiện ra Vredefort tại Nam Phi và cấu trúc va chạm tương tự mang tên Sudbury ở Canada.
Cú va chạm ngoài hành tinh này xảy ra trong giai đoạn trước mốc 3,2 tỷ năm về trước. Đây được coi là giai đoạn đầu khốc liệt mà Trái đất phải trải qua với nhiều lần tấn công liên tục của các vật thể vũ trụ.
Phần lớn bằng chứng về Deniliquin là dấu vết của tiểu hành tinh va chạm với Trái đất đều dựa trên các dữ liệu địa vật lý thu được từ bề mặt. Do đó, để có bằng chứng chính xác về tuổi của Deniliquin, tiến sĩ Glikson và đồng nghiệp là Tony Yeates, cần phải tiến hành khoan sâu xuống cấu trúc va chạm khổng lồ này.
Mặc dù đã xói mòn gần hết nhưng hố va chạm Vredefort vẫn cho thấy tác động rất lớn của vụ va chạm với tiểu hành tinh cách đây 2 tỷ năm. (Ảnh: NASA).
Cách đây 2 tỷ năm trước, một tiểu hành tinh có đường kính 25 km lao xuống Trái đất và tạo ra hố va chạm Vredefort nằm ở gần Johannesburg, Nam Phi. Thời điểm xảy ra vụ va chạm, Trái đất chỉ có sinh vật đơn bào sinh sống và cây thân gỗ vẫn chưa tồn tại. Theo giới khoa học, ngay sau cú đâm, kích thước ước tính của hố va chạm là 250 – 280 km.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Journal of Geophysical Research: Planets vào cuối tháng 9/2022, các nhà khoa học chỉ ra rằng, do không có nhiều sinh vật sống vào 2 tỷ năm trước nên vụ chạm Vredefort không gây ra sự kiện đại tuyệt chủng như Chicxulub. Tuy nhiên, nó lại gây ảnh hưởng lớn đến khí hậu toàn cầu.
Cụ thể, các chuyên gia phát hiện có một lượng lớn bụi bị xáo trộn vì vụ va chạm có thể làm che khuất Mặt trời trong nhiều giờ, thậm chí là nhiều thập kỷ. Điều này sẽ khiến nhiệt độ của bề mặt Trái đất bị giảm đáng kể. Đến khi lớp bụi này lắng xuống, lượng CO2 phát ra từ vụ va chạm sẽ khiến mức nhiệt của Trái đất tăng lên vài độ.
Lưu vực Sudbury hình thành do một vật thể va vào Trái đất vào khoảng 1,8 tỷ năm trước. (Ảnh: NASA)
Giống như Vredefort, lưu vực Sudbury tại Ontario, Canada là một trong những cấu trúc va chạm có tác động lâu đời nhất được biết đến trên Trái đất. Theo NASA, các chuyên gia cho rằng một tiểu hành tinh va chạm với Trái đất đã tạo nên “lòng chảo” này.
Tuy nhiên, sau đó nghiên cứu trên tạp chí Terra Nova nhận định một sao chổi khổng lồ hoặc hỗn hợp giữa các mảnh của tiểu hành tinh và băng, mới chính là nguyên nhân tạo ra Sudbury. Vật thể này đã va vào Trái đất vào khoảng 1,8 tỷ năm trước.
Vụ va chạm đã làm thủng lớp vỏ Trái đất, khiến vật chất từ lớp phủ trào lên từ bên dưới. Con người đã sử dụng khoáng sản ở lưu vực Sudbury trong hàng nghìn năm. Hoạt động khai thác các khoáng sản quy mô lớn bắt đầu được người dân ở đây tiến hành từ cuối những năm 1800.
Hình ảnh mô phỏng về tiểu hành tinh Chicxulub gây ra sự kiện đại tuyệt chủng trên Trái đất cách đây 66 triệu năm trước. Ảnh: Phys
Cách đây khoảng 66 triệu năm, một tiểu hành tinh mang tên Chicxulub có kích thước lớn hơn so với núi Everest đâm vào Trái đất gần vịnh Yucatan, làm tiêu diệt 3/4 sự sống trên hành tinh xanh, trong đó có loài khủng long. Theo các nhà nghiên cứu, khi đâm xuống Trái đất, tiểu hành tinh này đã giải phóng nguồn năng lượng tương đương với 10 tỷ quả bom nguyên tử ở Hiroshima và để lại “bãi đáp” rộng tới 180 km.
Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Geoscience vào cuối tháng 10/2023 cho thấy, tiểu hành tinh Chicxulub có đường kính ước tính 10 km đã nghiền nát đá thành bụi làm che phủ bầu trời, ngăn chặn quá trình quang hợp, khiến nhiều loài thực vật và khủng long bị xóa sổ.