"Bài toán khó" của ngành điện hạt nhân VN

  •  
  • 517

Dự kiến năm 2015, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở VN sẽ vận hành. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất hiện nay vẫn là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.

Nhiệm vụ số 1

Không giống các ngành công nghiệp khác, điện hạt nhân liên quan đến an toàn phóng xạ nên những người tham gia lĩnh vực này phải được đào tạo rất bài bản, chặt chẽ.

Thực tế đã chứng minh, nhiều sự cố của các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới đã bắt nguồn từ sự bất cẩn của người vận hành, chứ không phải do thiết kế, kỹ thuật...

Chẳng hạn sự cố xảy ra tháng 9-1999 tại nhà máy Ikata của Nhật Bản là do nhân viên không tuân thủ trình tự thao tác, đã gây nhiễm phóng xạ nặng cho 3 người, trong đó 2 tử vong. Hay như thảm hoạ Chernobyl tuy xảy ra một phần do lỗi thiết kế, nhưng chính sự liều lĩnh của con người mới biến nguy cơ tiềm ẩn đó thành sự thật.

Trong khi đó, theo “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”, nước ta sẽ thực hiện một chương trình dài hạn nhằm đưa tỉ trọng điện hạt nhân trong cơ cấu sản xuất điện lên tới 11% vào năm 2025-2030 và 30% trong thời gian 2040-2050.

Nhiệm vụ quan trọng số một của ngành điện hạt nhân VN hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực (Ảnh: TTO)

Không những thế, có thể chỉ nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sẽ được xây dựng theo phương thức chìa khóa trao tay, còn các nhà máy tiếp theo sẽ được xây dựng với tỉ lệ nội địa hóa tăng dần. Theo chiến lược trên, từ năm 2030 trở đi, VN sẽ bắt đầu các nghiên cứu phát triển công nghệ.

Do vậy, theo các chuyên gia, nhiệm vụ quan trọng số một của ngành điện hạt nhân VN hiện nay là đào tạo nguồn nhân lực. GS. Cao Chi (Viện Năng lượng nguyên tử VN) cho rằng chất và lượng nguồn nhân lực sẽ quyết định thành công của chương trình hạt nhân, quyết định mặt an toàn và tính kinh tế của các dự án.

Theo ông, nếu chúng ta có chừng 300-500 chuyên gia giỏi với trình độ cao thì sự thành công của chương trình hạt nhân sẽ được bảo đảm trong giai đoạn đầu.

Cần có Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nhân lực

Theo GS. Cao Chi, vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân phải là một vấn đề ở cấp độ Chính phủ. Do đó, không có một ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nhân lực thì chúng ta không thể thi hành được nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho chương trình hạt nhân.

“Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3-1-2006 cũng đã khẳng định: Trong trường hợp một Ban chỉ đạo quốc gia chương trình hạt nhân chưa thể thành lập thì cần thành lập gấp một Ban chỉ đạo quốc gia về đào tạo nhân lực.

Theo đó, Ban chỉ đạo này sẽ gồm đại diện của ba bộ: Bộ Công nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, cho đến nay, những đề án về đào tạo nhân lực cho điện hạt nhân mới chỉ tiến hành ở Viện Năng lượng (Bộ Công nghiệp), Viện Năng lượng Nguyên tử VN (Bộ Khoa học và Công nghệ), mà vẫn chưa có một đề án tương tự như vậy ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tận dụng nguồn nhân lực hiện có

GS. Cao Chi cho rằng chúng ta cần tận dụng nguồn nhân lực hiện có, những người đang giúp Chính phủ vạch ra kế hoạch cho chương trình hạt nhân. Đây là lực lượng gồm nhiều chuyên gia giỏi về kỹ thuật, công nghệ hạt nhân, tính toán lò phản ứng... Nhiều người trong số họ đã được học tập và thực tập trên các lò phản ứng ở nước ngoài, một số người còn là chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Vì thế, nếu biết củng cố, đào tạo thêm và nâng cấp thì đây là một nguồn vốn nhân lực hữu ích.

Ngoài ra, theo GS. Cao Chi, ngay từ bây giờ chúng ta cần phải nghĩ đến việc đào tạo những cán bộ đầu đàn. Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, họ đã nghĩ đến vấn đề này từ rất sớm và gửi ra nước ngoài hàng trăm cán bộ học tập trong 5 năm hoặc 10 năm.

Theo GS. Cao Chi, nếu ngay từ năm 2006 này chúng ta gửi đi khoảng 10-30 cán bộ xuất sắc thì đến năm 2011-2012, chúng ta sẽ có khoảng 10-20 cán bộ giỏi, xứng đáng cương vị đầu đàn.

Quỳnh Ngọc

Theo Thời báo kinh tế Việt Nam
  • 517