Nhà sinh vật học người Pháp Louis Joubin là một nhân vật hàng đầu trong ngành khoa học tự nhiên của Pháp vào đầu thế kỷ 20. Công việc nghiên cứu khoa học của nhà sinh vật học may mắn này được tài trợ bởi Hoàng tử Albert I của Monaco lúc bấy giờ. Louis Joubin đã nhiều lần tìm kiếm và nghiên cứu các sinh vật biển kỳ lạ trên du thuyền Princesse-Alice của Hoàng tử Albert và trong khoảng thời gian từ năm 1898 - 1910, ông đã phát hiện ra một loài cephalopod (động vật chân đầu) kỳ lạ dưới đáy biển sâu.
Loài động vật bí ẩn này dài khoảng một gang tay và có 8 "cánh tay" giống như một con bạch tuộc, trên lưng của nó có hai mái chèo nhỏ trông giống như vây cá. Khi vớt lên khỏi mặt nước, cơ thể chúng có màu đen kịt, mắt rất to có màu đỏ như máu.
Hình ảnh đầu tiên mô tả lại sinh vật bí ẩn nói trên.
Năm 1912, Louis Joubin chính thức mô tả loài động vật kỳ lạ này và đặt tên cho nó là Melanoteuthis lucens. Trước đó, vào năm 1903, đồng nghiệp người Đức đương thời của ông - Karl Chun, đã phát hiện và giới thiệu với mọi người sinh vật lạ dưới đáy biển sâu và đặt tên cho nó là Vampyroteuthis infernalis, có nghĩa là "con mực ma cà rồng đến từ địa ngục". Ở những năm sau đó, khi ngày càng có nhiều mẫu vật sinh học của loài động vật này được thu thập thì người ta đã khẳng định rằng hai loài mà Louis Joubin và Karl Chun thực chất là một.
Nhưng theo nguyên tắc bất thành văn của giới khoa học, thì Karl Chun là người phát hiện và đặt tên cho sinh vật này trước, bởi vậy cái tên Vampyroteuthis infernalis được coi là tên chính thức và duy nhất của loài động vật này.
Mực ma cà rồng (Vampyroteuthis infernalis) còn được gọi là mực quỷ trên thực tế có một vẻ ngoài rất kỳ lạ, chúng có vẻ ngoài vừa giống mực, vừa giống bạch tuộc.
Một con mực ma cà rồng trưởng thành dài khoảng một gang tay. Đây là một sinh vật cổ đại, thành viên còn sót lại duy nhất của loài Vampyromorphida.
Mực ma cà rồng là loài động vật duy nhất thuộc lớp động vật chân đầu mang cả đặc tính của cả mực lẫn bạch tuộc còn tồn tại trên Trái Đất. Khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1903, nó đã từng bị nhầm lẫn là bạch tuộc.
Mực ma cà rồng đôi khi được gọi là hóa thạch sống vì nó tương đối giống với tổ tiên của chúng sống cách đây 300 triệu năm. Vampyroteuthis infernalis có da màu nâu đỏ, mắt xanh (có thể có màu đỏ trong một số điều kiện ánh sáng nhất định) và có màng giữa các xúc tu.
Không giống như các loài mực khác, mực ma cà rồng không thể thay đổi màu sắc tế bào sắc tố của nó. Thay vào đó, chúng được bao phủ bởi các cơ quan tạo ra ánh sáng - tế bào quang, có thể tạo ra các tia sáng màu xanh lam kéo dài từ vài phần giây đến vài phút.
Giống như bạch tuộc dumbo, mực ma cà rồng trưởng thành có hai vây ở phía trên lưng, Vampyroteuthis infernalis là một loài "mực ống" tương đối nhỏ, đạt chiều dài tối đa khoảng 30 cm và cũng giống như các loài mực khác, mực ma cà rồng cái thường có kích thước lớn hơn con đực.
Hai mái chèo nhỏ trông giống như vây cá trên lưng của chúng là bộ phận giúp cho chúng di chuyển trong nước. Ngoài ra cơ thể của loài này có đặc tính nổi trung tính, bởi vậy chúng tiêu tốn rất ít năng lượng cho việc di chuyển.
Mực ma cà rồng sống ở các đại dương từ vùng nhiệt đới đến ôn đới trên toàn cầu với độ sâu từ 600 đến 900 mét. Đây là môi trường sống không có ánh sáng, nhiệt độ thấp, áp suất cao và độ bão hòa oxy cực thấp (khoảng 3%) - những khu vực như vậy từng được cho là không có khả năng hỗ trợ các dạng sống phức tạp.
Trong khi các loài mực khác sinh sản đồng loạt vào cuối đời, thì mực ma cà rồng cho thấy bằng chứng về nhiều chu kỳ sinh sản. Theo một nhóm các nhà sinh vật học biển do Tiến sĩ Henk-Jan Hoving thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholtz ở Đức dẫn đầu, mực ma cà rồng cái đẻ trứng, sau đó trở lại trạng thái nghỉ ngơi để phát triển những quả trứng mới. Chu kỳ sinh sản này có thể được lặp lại hơn 20 lần trong một vòng đời.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, giai đoạn trưởng thành của mực ma cà rồng là khoảng 8 năm, và tuổi thọ của chúng còn dài hơn nữa. Trong khi đó, hầu hết các loài mực và bạch tuộc khác chỉ sinh sản 1 lần và tuổi thọ không quá 2 năm.
Dù có tên mà mực ma cà rồng, nhưng loài này lại không hề hút máu.
Khi gặp nguy hiểm loài mực này sẽ lộn ngược các xúc tu của mình lên để bao bọc cơ thể và khiến nó trông giống như một chiếc ô gai. Dù có tên mà mực ma cà rồng, nhưng loài này lại không hề hút máu, thay vào đó, thức ăn của chúng là Marine snow - tuyết biển. Dễ hiểu hơn thì đó chính là mùn bã hữu cơ của xác chết, các chất thải được lắng xuống đáy biển.
Giải phẫu loài mực này dưới kính hiển vi cho thấy, những giác mút của mực ma cà rồng được bao phủ bởi các tế bào sản xuất chất nhầy có chức năng thu thập và kết dính các hạt tuyết biển riêng lẻ lại với nhau và sau đó là ăn chúng.
Khi bị đe dọa, 8 xúc tu giống như bạch tuộc sẽ được lộn ra, tạo thành chiếc ô khổng lồ để bảo vệ cơ thể.