Bạn có biết vì sao hồng hạc có thể đứng hàng giờ bằng 1 chân không?

  •   54
  • 3.365

Khả năng đứng bằng 1 chân "đối chọi với tạo hóa" của hồng hạc rõ ràng khiến cho nhiều người phải kính nể. Nhưng không phải tự nhiên chúng làm được chuyện đó.

Tạo hóa sinh ra chúng ta với số chân chẵn là có mục đích cả. Đó là biểu tượng của sự cân bằng và vững vàng. Tuy nhiên, duy có loài hồng hạc là muốn gạt bỏ tất cả những gì tạo hóa mang lại. Chúng rất thích đứng bằng một chân.

Rõ ràng, việc đứng bằng một chân với là chuyện không đơn giản, nhưng hồng hạc làm được điều này một cách rất dễ dàng, thậm chí còn ngủ với tư thế đó. Bằng cách nào chúng làm được như vậy? Tất cả đều có lý do của nó!

Hồng hạc có thể đứng bằng một chân là vì tư thế đó thực sự dễ dàng hơn với chúng.
Hồng hạc có thể đứng bằng một chân là vì tư thế đó thực sự dễ dàng hơn với chúng.

Trước kia, người ta cho rằng hồng hạc đứng bằng một chân là để giữ nhiệt cho cơ thể. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây từ Viện công nghệ Georgia (Mỹ) thì mọi chuyện thực ra đơn giản hơn. Sở dĩ hồng hạc có thể đứng bằng một chân là vì tư thế đó thực sự dễ dàng hơn với chúng.

Giống như ngựa luôn ngủ đứng, hay dơi ngủ ở tư thế treo ngược, cơ thể hồng hạc tiến hóa để tự "cố định" chân, qua đó giúp tiết kiệm được năng lượng.

"Chúng tôi tin rằng, thay vì giảm sự mệt mỏi của cơ bắp và hoặc mất thân nhiệt, hồng hạc đứng bằng một chân là để tiết kiệm năng lượng" - các chuyên gia cho biết.

Để có được kết luận này, các chuyên gia đã quan sát một số nhóm hồng hạc tại Chile. Họ nhận thấy những con chim đứng bằng 1 chân có khả năng bay xa hơn sau một quãng nghỉ kéo dài 20 phút. Chúng cũng có khả năng giữ thăng bằng tốt hơn so với những con chim bình thường.

Lý giải cho chuyện này, các chuyên gia cho rằng mấu chốt nằm ở bộ khớp chân đặc biệt của hồng hạc.

Khi chân đặt đúng vị trí, các khớp chân gần như tự động cố định, bất kể ống chân dịch chuyển thế nào. Ngay cả trên xác của hồng hạc, cơ chế này vẫn hoạt động.

Cơ thể hồng hạc tiến hóa để tự "cố định" chân, qua đó giúp tiết kiệm được năng lượng.
Cơ thể hồng hạc tiến hóa để tự "cố định" chân, qua đó giúp tiết kiệm được năng lượng.

"Kết quả nghiên cứu cho thấy hoạt động cơ bắp khi đứng bằng 1 chân thực sự thấp hơn so với khi đứng bằng 2 chân".

Theo tiến sĩ Caitlin Kight - một chuyên gia về hồng hạc từ ĐH Exeter (Anh), đây là một nghiên cứu rất thú vị, nhưng cần thực hiện trên phạm vi rộng hơn. Ông chia sẻ: "Dù đứng bằng một chân cho phép hồng hạc tiết kiệm năng lượng, nhưng như vậy là không đủ để bác bỏ các giả thuyết khác, như duy trì nhiệt chẳng hạn".

"Một số nghiên cứu trước cho thấy loài chim này không đứng bằng một chân khi trời trở gió, chứng tỏ rằng đây không phải là tư thế dễ dàng để duy trì. Nó còn công dụng gì khác không, chúng ta sẽ cần phải tìm hiểu thêm".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biology Letters.

Cập nhật: 25/05/2017 Theo Trí Thức Trẻ
  • 54
  • 3.365