Bản đồ mới về phân bố động vật trên toàn cầu

  •  
  • 2.162

Dựa trên khung bản đồ phân bố các loài động vật trên toàn thế giới được nhà sinh học Alfred Russell Wallace vẽ theo thuyết tiến hóa của Charles Darwin, một nhóm nhà khoa học đã công bố phiên bản bản đồ mới cập nhật với tổng cộng hơn 20.000 loài động vật có vú, chim và động vật lưỡng cư đang sống trên trái đất.

Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Ben Holt ở Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết, phiên bản mới đã dựa trên bản đồ đầu tiên của Wallace từ đó cập nhật các dữ liệu trong một thời gian dài và mô tả một cách cực kỳ chi tiết hàng ngàn loài động vật có xương sống được phân bố trong thế giới tự nhiên.

Toàn bộ bản đồ được chia thành 11 khu vực địa lý và 20 khu vực phân bố động vật. Riêng các loài vật ở đảo Madagascar có một khu vực riêng. Nhìn vào dữ liệu bản đồ cho thấy, ở Nam bán cầu có sự đa dạng sinh học lớn hơn so với Bắc bán cầu. Hiện nay dữ liệu bản đồ mới có động vật có vú, chim và động vật lưỡng cư. Các lớp động vật khác sẽ được thêm vào sau.

Bản đồ mới cập nhật sự phân bố của 20.000 loài động vật
Bản đồ mới cập nhật sự phân bố của 20.000 loài động vật

Những dữ liệu của bản đồ mới lần này có thể được sử dụng để làm các bản đồ khu vực quy mô nhỏ hơn. Thậm chí được đưa vào Google Earth hoặc chương trình Hệ thống thông tin địa lý. Ngoài ra, bản đồ mới còn sử dụng các nguồn tài nguyên dữ liệu hầu như không thể tưởng tượng được trong thời gian của Wallace. Nó sử dụng phương pháp phân tích di truyền để xác định các loài cộng với phương pháp mô tả giải phẫu cổ điển mà Wallace sử dụng.

Để hoàn thành bản đồ mới này đã có tổng cộng 15 nhà nghiên cứu làm việc miệt mài trong 20 năm mới biên soạn ra. Việc phát triển bản đồ phân bố của các loài động vật sẽ góp phần làm rõ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với môi trường sống và ảnh hưởng của các loài xâm lấn. “Bản đồ cung cấp thông tin cơ bản quan trọng đối với nghiên cứu sinh thái và tiến hóa trong tương lai. Nó cũng có ý nghĩa lớn trong việc bảo tồn trong bổi cánh khủng hoảng đa dạng sinh học và thay đổi môi trường trên toàn cầu”, ông Jean-Philippe Lessard ở Đại học McGill, Canada nói.

Theo Báo Đất Việt
  • 2.162