Một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện bầu trời của một hành tinh ngoài hệ Mặt Trời cách Trái Đất 100 năm ánh sáng có màu xanh.
Theo IFL Science, hành tinh mang tên GJ 3470b có kích thước bằng Hải vương tinh, là hành tinh nhỏ nhất chịu tác động của hiệu ứng tán xạ Rayleigh. Chính hiệu ứng này góp phần tạo nên bầu trời màu xanh trên Trái Đất.
Thông qua Mạng kính viễn vọng toàn cầu của Đài quan sát Las Cumbres (LCOGT) thuộc Đại học California, Mỹ, các nhà thiên văn học quan sát ánh sáng tỏa ra từ những phân tử siêu nhỏ trong khí quyển của GJ 3470b và nhận thấy những phân tử này phát tán ánh sáng xanh nhiều hơn.
GJ 3470b có bầu trời màu xanh như Trái Đất. (Ảnh minh họa: NAOJ).
Tuy nhiên, bầu trời màu xanh không đồng nghĩa với bầu khí quyển giống như chúng ta. Theo nghiên cứu công bố trên Tạp chí Vật lý thiên văn hôm 20/11, khí quyển của GJ 3470b gồm phần lớn khí hydro/heli với mây và sương mù trên cao. Các nhà nghiên cứu cho biết hành tinh này nhiều khả năng có bầu khí quyển giàu phân tử nước và methane, nhưng họ không chắc chắn các đặc điểm quan sát trong quang phổ ánh sáng thực sự tồn tại.
Nhóm nghiên cứu đang lên kế hoạch tiếp tục tiến hành quan sát để xác định thành phần khí quyển của GJ 3470b một cách chính xác hơn. Họ sẽ theo dõi hành tinh bằng kính viễn vọng hồng ngoại, cho phép đánh giá sự tồn tại của nước và khí methane.
GJ 3470b quay quanh một ngôi sao lùn màu đỏ lớn bằng 1/2 trọng lượng Mặt Trời. Ngôi sao có nhiệt độ bề mặt khoảng 3.300°C và quỹ đạo quay quanh ngôi sao của GJ 3470b kéo dài bằng ba ngày trên Trái Đất. Do nằm gần ngôi sao mẹ, hành tinh khá nóng và được xem như phiên bản ấm áp của Hải vương tinh.