Bằng chứng sốc về tác động ngoài hành tinh khiến Trái đất "biến hình"

  •  
  • 2.756

Nghiên cứu đứng đầu bởi nhà khoa học Craig O’Neill, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hành tinh của Đại học Maccquarie (Úc) đã tìm ra những bằng chứng gây sốc về một chuỗi những cuộc tấn công kinh hoàng từ vũ trụ, khiến Trái đất "biến hình" từ bên ngoài lần bên trong.

Các dấu vết, được tìm thấy trên địa phận Nam Phi và Úc ngày nay, hé lộ những hố va chạm từ vài km cho đến hàng trăm km. Bên cạnh đó là một lớp hạt tròn đặc biệt, thứ chỉ có thể tạo ra bởi sự ngưng tụ của đá bốc hơi trong một vụ va chạm thiên thạch.

Các hạt đá tròn chính là đá bốc hơi rồi ngưng tụ lại sau các vụ va chạm thiên thạc
Các hạt đá tròn chính là đá bốc hơi rồi ngưng tụ lại sau các vụ va chạm thiên thạch - (ảnh do nhó nghiên cứu cung cấp).

Phân tích sâu hơn đã hé lộ một thời kỳ kinh hoàng 3,2 tỉ năm về trước, khi hàng loạt vật thể không gian, cày nát bề mặt Trái đất sơ khai.

Trong đó, các thiên thạch lớn nhất – thứ để lại những hố va chạm hơn 300km đường kính – đã gây nên chấn động đến tận lớp phủ sâu bên dưới vỏ Trái đất, tạo nên sự bất thường nhiệt đáng kể nơi đây, từ đó tác động đến cấu trúc lớp phủ. Theo tác giả O’Neill, chúng "có thể trực tiếp thúc đẩy hoạt động kiến tạo mảng".

Thế nhưng, tác nhân chính vẫn là các vật thể không gian nhỏ hơn một chút - tạo ra hố va chạm đường kính khoảng 100km. Trong suốt thời kỷ Archaean, một kỷ nguyên kéo dài từ 4-2,5 tỉ năm về trước, nhất là giai đoạn Trung Archaean (khoảng 3,2 tỉ năm trước), những cú va chạm này đã làm suy yếu lớp ngoài cùng nguyên thủy nóng bỏng và cứng nhắc của hành tinh chúng ta. Đó là "mồi" cho các quá trình hút chìm, một phần quan trọng của kiến tạo mảng.

Kiến tạo mảng là những chuyển động quy mô lớn của thạch quyển Trái đất, trong đó sự hút chìm tại ranh giới hội tụ của các mảng kiến tạo đã giúp hành tinh liên tục thay đổi diện mạo, ví dụ như việc các lục địa đã vài lần nhập lại thành siêu lục địa để rồi lại bị xé rách bởi hút chìm. Một số thay đổi nhỏ hơn mà chúng ta có thể thấy ngày nay như hoạt động núi lửa, địa chấn cũng là một phần của quá trình kiến tạo mảng.

Trước đây giới nghiên cứu khoa học Trái đất cho rằng Trái đất là một hệ cô lập, chủ yếu biến chuyển vì các quá trình bên trong. Nhưng các bằng chứng mới này đã cho thấy, địa cầu của chúng ta được như hiện tại có sự đóng góp rất lớn của các tác động ngoài hành tinh.

Các vụ tấn công của thiên thạch đã thưa dần trong quãng thời gian sau đó, tạo điều kiện để Trái đất tự vận hành và có được dáng dấp như ngày nay, giúp cuộc sống có cơ hội sinh sôi ở một môi trường thuận lợi hơn nhiều khối đá cứng và nóng bỏng thời nguyên thủy.

Cập nhật: 29/11/2019 Theo NLĐ
  • 2.756