"Bảo bối" chống sóng thần mới của Nhật

  •  
  • 1.142

Phải mất 2 năm kể từ sau vụ động đất kèm theo sóng thần kinh hoàng, các chuyên gia Nhật Bản mới chính thức hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm mới, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại của thảm họa kép.

Còn nhớ ngày 11/3/2011, đợt sóng thần ngoài sức tưởng tượng bất ngờ ập vào vùng bờ biển rộng lớn phía đông bắc Nhật Bản. Khi đó, các cơ quan hữu quan, bao gồm Cục khí tượng Nhật Bản - đơn vị chịu trách nhiệm chính - lại chỉ cảnh báo một đợt sóng thần có chiều cao khiêm tốn 3m ập vào bờ biển. Thế nhưng, trận sóng thần lịch sử có chiều cao tối đa lên tới gần 40m, vượt xa mọi dự đoán.

Nước Nhật kỷ niệm 2 năm thảm họa kép ập xuống xứ sở hoa anh đào.
Nước Nhật kỷ niệm 2 năm thảm họa kép ập xuống xứ sở hoa anh đào.

Người Nhật Bản phải trả một cái giá quá đắt cho những sai lầm mà hệ thống cảnh báo sớm của họ mắc phải. 19.000 người chết và mất tích kèm theo thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima Daiichi số 1, buộc đất nước Nhật Bản phải nghiên cứu, cải tiến hệ thống cảnh báo sớm tối tân nhằm ngăn chặn tối đa một thảm họa tương tự.

Trung bình mỗi năm, Nhật Bản phải hứng chịu 100.000 trận động đất và dư chấn. Tuy nhiên, nước Nhật cũng sở hữu những công nghệ tinh vi và hiện đại hàng đầu thế giới nhằm cảnh báo sớm nhất cho người dân về những đại họa có thể xảy ra. Sở hữu hệ thống cảnh báo sóng thần kể từ năm 1941, công nghệ này liên tục được đầu tư và nâng cấp để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên, những thay đổi đó không kịp ứng phó với diễn biến khó lường mà thảm họa kép năm 2011 đổ ập xuống lãnh thổ Nhật Bản. Với thiệt hại về người và của lớn nhất từng được ghi nhận, nước Nhật không còn cách nào khác ngoài hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm tối tân hơn. Với trị giá 37 triệu USD, hệ thống cảnh báo mới được hoàn thiện hứa hẹn giúp nước Nhật an toàn hơn.

Cây thông hy vọng được phục chế sau khi chết vì nhiễm mặn.
Cây thông hy vọng được phục chế sau khi chết vì nhiễm mặn.

Trái tim của hệ thống ứng phó thiên tai nằm trong một tòa nhà vô danh màu xám ở khu vực Otemachi, Thủ đô Tokyo. Trên tầng 2 tòa nhà, tấm biển “Cục địa chấn và núi lửa” là dấu hiệu duy nhất để có thể nhận ra vai trò vô cùng quan trọng của nó. Giống với vẻ bên ngoài của tòa nhà, phòng làm việc của các chuyên gia vô cùng đơn sơ với dãy dài màn hình máy tính với các loại đồ thị đủ sắc màu.

Thế nhưng, đây chính là nơi theo dõi và đưa ra tất cả các cảnh báo liên quan đến thảm họa tự nhiên ở Nhật Bản. Mưa bão tới núi lửa phun trào hay động đất kèm theo sóng thần đều được các chuyên gia giám sát chặt chẽ nhằm đưa ra cảnh báo sớm nhất cho các nhà chức trách và người dân.

Những đồ thị trên máy tính được lập lên nhờ hệ thống ghi nhận chuyên dụng, được lắp đặt trên khắp mọi miền Nhật Bản. Với khả năng đo đạc chính xác và đáng tin cậy của các cảm biến, số liệu mà các chuyên gia thu nhận được phản ánh rõ rệt những gì đang xảy ra ở vùng thiên tai.

Các chuyên gia làm việc bên trong "trái tim" hệ thống cảnh báo thiên tai mới.
Các chuyên gia làm việc bên trong "trái tim" hệ thống cảnh báo thiên tai mới.

Đặc biệt nhất trong đội ngũ các cảm biến là thiết bị đo lường địa chấn theo vòng tròn, có khả năng theo dõi mọi chuyển động của mặt đất, dù là nhỏ nhất xung quanh nơi chúng được đặt. Hiện tại, thiết bị đo lường chuyển động địa chất mạnh phạm vi rộng này hiện đang được lắp đặt tại 80 địa điểm khác nhau trên khắp lãnh thổ Nhật Bản.

Bên cạnh bộ cảm biến mặt đất là các thiết bị đo lường nổi và chìm bên ngoài bờ biển Nhật Bản. Dựa vào tín hiệu mà các cảm biến chìm gửi cho các phao nổi, các chuyên gia sẽ nhanh chóng xác định được độ cao sóng nhằm phát hiện chính xác một trận sóng thần đang ập đến. Với 261 vị trí được lắp đặt bộ đo lường thế hệ mới, toàn bộ bờ biển của Nhật Bản sẽ được bảo vệ trước sóng thần.

Để tránh trường hợp mất điện do động đất, tất cả hệ thống cảm biến mới của Nhật Bản đều được trang bị pin dự phòng, giúp chúng hoạt động bình thường trong thời gian dài sau khi xảy ra động đất. Các loại pin từng được sử dụng chỉ có khả năng hoạt động trong 3–4 giờ nhưng pin thế hệ mới giúp chúng hoạt động liên tục tới 24 tiếng.

Với hệ thống này, các chuyên gia có thể đưa ra cảnh báo sóng thần sau hơn 3 phút kể từ khi nó được hình thành. Thông thường, phải mất ít nhất 20 phút để một con sóng thần ngoài khơi ập vào bờ biển Nhật Bản nên thời gian tối thiểu 17 phút còn lại đủ để để người dân tìm đến những điểm cao để tránh bị sóng thần cuốn trôi.

Theo Vietnamnet
  • 1.142