Bão cytokine - hiện tượng khiến cơ thể tự hủy hoại trước virus corona

Bão cytokine là gì?
  •   52
  • 5.895

Hiện tượng đặc biệt này sẽ khiến cơ thể con người tự gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình.

Hiện nay, đại dịch Covid-19 vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sẽ được kiểm soát trong thời gian tới. Chỉ riêng việc điều trị cho bệnh nhân cũng là vấn đề khó khăn với giới y học, bởi một số trường hợp có biểu hiện thuyên giảm triệu chứng sau một tuần, rồi sau đó bất ngờ trở nặng.

"Chúng tôi từng gặp những bệnh nhân có tình trạng xấu đi nhanh chóng. Ban đầu họ chỉ cần trợ thở thôi nhưng sau 24 giờ đã phải nối máy thở", bác sĩ Pavan Bhatraju, làm việc tại trung tâm cấp cứu bệnh viện Harborview, Seattle nói với NPR.

Vì sao bệnh nhân trẻ vẫn có thể gặp nguy hiểm?


Bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc đặc biệt tại Liege, Bỉ. (Ảnh: AP).

Hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mạnh trong y học được gọi là Hội chứng giải phóng cytokine, hay cơn bão cytokine. Trước hiện tượng này, các cơ quan trong cơ thể có thể gục ngã vì chính hệ miễn dịch của mình.

"Cơn bão cytokine" còn gọi là hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS), hội chứng giải phóng cytokine, hội chứng thực bào máu, bệnh bạch cầu lymphohistiocytosis. Hội chứng đặc trưng bởi sự gia tăng không kiểm soát của các phân tử miễn dịch, có thể dẫn đến suy tạng, gây tử vong. Bệnh nhân mắc hội chứng giải phóng cytokine có nhịp tim đập nhanh bất thường, sốt và tụt huyết áp.

Thuật ngữ "Bão cytokine" lần đầu được nhắc đến trong một bài báo y khoa năm 1993, khi các nhà nghiên cứu mô tả về hiện tượng "tế bào ghép chống lại chủ" xuất hiện trong người được ghép tế bào. Đến năm 2005, khi dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, nó bắt đầu trở nên phổ biến.

Hệ thống miễn dịch của con người đã chiến đấu với mầm bệnh ngay từ khi nó xâm nhập vào cơ thể. Đó là lý do khiến nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 không xuất hiện các triệu chứng như ho hoặc sốt nhẹ. Tất cả những bệnh nhân này vẫn có thể truyền bệnh cho người khác, nhưng họ không có nguy cơ gặp phải bất kỳ biến chứng hô hấp nào.

Một khi hệ thống miễn dịch chiến thắng mầm bệnh, những bệnh nhân đó sẽ có khả năng miễn dịch với virus corona trong điều kiện virus không biến đổi nhiều.

Những “chiến binh nòng cốt” trong cuộc chiến này là các phân tử cytokine sẽ tạo ra một loạt tín hiệu đến tế bào để sắp xếp thành một phản ứng. Thông thường, phản ứng miễn dịch càng mạnh, cơ hội đẩy lùi mầm bệnh càng lớn. Điều này phần nào lý giải tại sao trẻ em và những người trẻ tuổi ít bị tổn thương bởi virus corona hơn. Khi virus bị đánh bại, hệ miễn dịch sẽ tự tắt.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp hệ miễn dịch kéo dài phản ứng sau khi virus không còn đe dọa. Khi đó, hệ miễn dịch tiếp tục giải phóng cytokine khiến cơ thể rơi vào trạng thái kiệt sức. Những cytokine này tấn công nhiều bộ phận bao gồm gan, phổi và thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

“Hệ thống miễn dịch quá tải như một chiếc còi báo cháy bị lỗi. Nó sẽ gọi cho lính cứu hỏa hết lần này tới lần khác, và cuối cùng gây hậu quả nghiêm trọng. Trong trường hợp này, lính cứu hỏa chính là các tế bào miễn dịch chống lại virus corona”, nhà nghiên cứu dịch tễ Jessica Hamerman đến từ viện nghiên cứu Benaroya ở Seattle cho biết.

Trong một cơn bão cytokine, phản ứng miễn dịch quá mức tàn phá các mô phổi khỏe mạnh, dẫn đến suy hô hấp cấp tính và suy đa tạng. Nếu không được điều trị, hội chứng bão cytokine có thể gây tử vong.


Cơ chế tấn công cơ thể của "bão cytokine".

Làm thế nào khắc chế bão cytokine?

Hội chứng bão cytokine có thể xảy ra ở bệnh nhân trong mọi lứa tuổi. Một số nhà khoa học tin rằng nó là lời giải thích cho hiện tượng những người trẻ tuổi khỏe mạnh chết trong đại dịch năm 1918 và gần đây hơn là trong các dịch SARS, MERS và H1N1.

Bão cytokine cũng là một biến chứng của những bệnh tự miễn khác như lupus và bệnh Still’s, một dạng viêm khớp. Hội chứng này có thể mang lại những manh mối về nguyên nhân người trẻ tuổi khỏe mạnh nhiễm coronavirus lại không chịu nổi hội chứng suy hô hấp cấp tính.

Hệ miễn dịch có thể "báo cháy giả" và hoạt động quá mức cần thiết, tàn phá các cơ quan kể cả khi đã diệt được virus.
Hệ miễn dịch có thể "báo cháy giả" và hoạt động quá mức cần thiết, tàn phá các cơ quan kể cả khi đã diệt được virus. (Ảnh: NIAID).

Tuy có thể hiểu được cơ chế điều trị của bão cytokine nhưng các bác sĩ vẫn chưa tìm ra biện pháp ứng phó phù hợp đối với Covid-19. Một mặt, bạn muốn hệ thống miễn dịch chống lại virus, mặt khác, bạn lại không muốn hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức.

Các bác sĩ đã cố gắng sử dụng nhiều loại thuốc như thuốc ức chế interleukin-6 hoặc thuốc ức chế IL-6 để đối phó với cytokine. Chia sẻ với BGR, bác sĩ truyền nhiễm Daniel Griffin cho biết phương pháp này đã có kết quả đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, đây vẫn là một thử nghiệm và chưa thể sử dụng một cách rộng rãi.

Một trong những công ty sản xuất thuốc ức chế IL-6 đang tiến hành thử nghiệm tại Mỹ và châu Âu. “Chúng tôi hy vọng có thể chia sẻ kết quả ban đầu của giai đoạn 2 trong cuộc thử nghiệm tại Mỹ vào cuối tháng 4”, đại diện của công ty Regeneron Sarah Cornhill phát biểu trên NPR.


Covid-19 vẫn còn nhiều vấn đề mà giới y học chưa thể nắm bắt và kiểm soát. (Ảnh: AP).

Nếu bất kỳ phương pháp điều trị nào thành công trong việc ngăn chặn hệ thống miễn dịch làm viêc quá tải, tỷ lệ tử vong do nhiễm Covid-19 có thể sẽ giảm trong những tháng tới.

“Mọi người đang nói về bão cytokine như một hiện tượng đã được nhận biết tường tận, nhưng nếu bạn hỏi các bác sĩ vào 2 tuần trước, họ có thể còn chưa nghe tới nó bao giờ”, tiến sĩ Jessica Manson, một chuyên gia miễn dịch tại Bệnh viện Đại học London nói với New York Times.

Cập nhật: 28/09/2021 Theo Zing/VNE
  • 52
  • 5.895