Là đảo đầu tiên đón cơn bão lịch sử, sáng nay Song Tử Tây đã có mưa, gió lớn rít liên hồi. Bão đã suy yếu một chút với mức gió giật 133km/h.
>>> Các bước cần thiết để sống sót trong siêu bão
Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Mạnh Cường, đảo trưởng đảo Song Tử Tây cho biết, khoảng 2h sáng nay, trời bắt đầu mưa, gió rít liên hồi. Tới khoảng 8h30, gió giật tối đa hơn 133km/h, mức sóng cao 3 -4m.
38 người dân trên đảo đã được di dời về nơi an toàn. 736 ngư dân cùng với 64 thuyền cá đánh bắt gần đó đã ghé vào đảo tránh bão. Mặc dù mưa lớn nhưng các lực lượng quân dân vẫn đang cố gắng giúp đỡ một số thuyền cá mới vào neo đậu vào nơi an toàn. Toàn bộ ngư dân đã được đưa lên đảo, cung cấp lương thực thực phẩm để chống chọi với thời tiết.
Nhiều cây cối trên đảo đã gãy đổ, một số nhà của người dân bị tốc mái đang được bộ đội lợp lại. Toàn bộ lực lượng trên đảo đã được huy động để tiếp tục rà soát những tàu còn lại trên biển, hỗ trợ người dân kiên cố lại nhà cửa.
Nhân viên trạm khí tượng thủy văn của đảo Song Tử Tây cho biết, khoảng 14h chiều nay bão sẽ đi qua đảo. Hiện tại trời vẫn đang tiếp tục mưa rất lớn, tuy nhiên gió đã giảm so với sáng nay, giật khoảng hơn 100km/h.
Còn ở đảo Trường Sa, Thượng tá Phạm Văn Hòa đảo trưởng, cho biết từ lúc sáng đã có mưa lớn, gió giật mạnh. Tuy nhiên do nằm khá xa trung tâm cơn bão nên cũng ít ảnh hưởng hơn.
Hiện tại trên đảo có 28 người dân sinh sống, chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản. Tuy nhiên trước thông tin bão sắp đổ vào đảo trưởng và các chiến sĩ đã thực hiện kêu gọi người dân về nhà 100%.
Về công tác phòng chống bảo, thượng tá Phạm Văn Hòa cho biết đã chia lực lượng thành 5 tổ thực hiện luân phiên canh trực 24/24 để đối phó và giải quyết bất cứ tình huống nào xảy ra. Toàn bộ dân trên đảo cũng đã được tuyên truyền cung cấp thông tin về cơn bão, khi bão bắt đầu đổ vào toàn bộ dân sẽ được di chuyển đến nhà kiên cố để tránh bão. Để tránh thiệt hại về vật chất, đảo trưởng đã huy động lực lượng giúp người dân ràng buộc kiên cố lại nhà cửa và tài sản.
Bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn cho biết, sáng 9/11, sau khi đi vào vùng biển phía đông đông bắc quần đảo Trường Sa, bão Haiyan đã suy yếu một chút. 7h ngày 9/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 290km về phía đông đông bắc, với sức gió tối đa 163km/h.
Di chuyển với vận tốc khoảng 30 - 35km/h, đến 7 giờ ngày 10/11, vị trí tâm bão nằm trên vùng biển các tỉnh Bình Định - Quảng Trị, với sức gió 166km/h.
Khu vực nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định đến Quảng Trị (bao gồm cả các đảo Lý Sơn và Cồn Cỏ) từ chiều tối nay có gió mạnh tới 88km/h. Khu vực Trung Trung Bộ có mưa to, sau đó vùng mưa sẽ mở rộng ra Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ, nhiều nơi có mưa rất to.
Ven biển và các đảo từ Quảng Ngãi - Nghệ An cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với triều cường từ 4 - 6m, sóng biển 5 - 8m, vùng gần tâm bão trên 10m. Các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa từ chiều tối và đêm 10/11 gió sẽ mạnh.
Dự báo đường đi của bão Haiyan lúc 7h sáng nay. (Ảnh: nchmf)
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương nhận định, Haiyan là cơn bão có cường độ mạnh nhất lịch sử từng vào biển Đông, có thể sánh ngang với những cơn bão mạnh nhất trên Trái đất từ trước tới nay như bão Andrew, bão Katrina vào Mỹ, bão Nargis đổ bộ vào Myanmar. Việt Nam từng bị nhiều cơn bão mạnh nhưng chưa cơn bão nào có gió mạnh hơn 149km/h trong khi Haiyan gió mạnh tới 220km/h.
Haiyan là cơn bão thứ 30 hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. Vị trí hình thành ban đầu ở vĩ độ rất thấp khoảng 5-6 vĩ độ Bắc và ở giữa Thái Bình Dương (147-148 kinh độ Đông). Phạm vi bán kính ảnh hưởng của báo rất rộng, ở mức 400-500km.
Theo kinh nghiệm của các nước từng trải qua thì sức tàn phá của cơn bão như Haiyan rất thảm khốc. Người, gia súc và vật nuôi có nguy cơ cao bị thương hoặc tử vong do mảnh vỡ rơi hoặc bay xuống. Bão có thể phá hủy gần như tất cả các nhà cấp 4, bất kể đã xây dựng với kết cấu tốt thế nào.
Các tòa nhà cao tầng có thể bị vỡ kính. Biển quảng cáo, hàng rào sẽ bị phá hủy. Cây cối, cột điện gãy đổ và bật gốc. Tình trạng mất điện có thể kéo dài hàng tuần, liên lạc đình trệ, giao thông bị chia cắt và gián đoạn. Tình trạng thiếu nước lâu dài sẽ làm tăng khốn khó cho người dân. Phần lớn diện tích nhà sẽ không thể ở được trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.