Bảo hộ sáng chế liên quan đến đa dạng sinh học và nguồn gen

  •  
  • 593

Ngày 13/09, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã phối hợp với Viện Sở hữu Trí tuệ Liên bang Thụy Sĩ và Ban điều phối Dự án Việt Nam - Thụy Sĩ về Sở hữu trí tuệ tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề "Bảo hộ sáng chế liên quan đến đa dạng sinh học và nguồn gen".

Đây là diễn đàn nhằm cung cấp cho các chuyên gia Việt Nam những thông tin về sự phát triển của Thế giới trong việc bảo hộ sáng chế liên quan đến đa dạng sinh học và nguồn gen. Đồng thời cung cấp những cơ sở khoa học thực tế cho Việt Nam xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ việc chia sẻ lợi ích trong khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên di truyền, trong đó có Luật Đa dạng Sinh học đang được soạn thảo.

Việt Nam là một trong 16 quốc gia trên thế giới được đánh gia là có tính đa dạng sinh học rất cao, đặc biệt là về nguồn gen. Đây là nguồn thực liệu quan trọng đảm bảo sự phát triển nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước.

Đa dạng sinh học dưới đáy biển trong vườn quốc gia núi Chúa. (Ảnh: LĐ)

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó phòng Bảo tồn Thiên nhiên (Cục Bảo vệ Môi trường) đã đưa ra một số dẫn chứng quan trọng về sự đa dạng nguồn gen ở Việt Nam như: gen cây trồng có 734 loài thuộc 79 họ được gieo trồng khắp lãnh thổ Việt Nam; hệ động vật được nhận biết có 275 phân loài thú, 1026 phân loài chim, 500 loài cá nước ngọt và khoảng trên 2.000 loài cá biển và hàng chục nghìn loài động vật không xương sống...

Các biểu hiện của kiểu gen ở Việt Nam cũng rất phong phú, riêng cây lúa đã có gần 400 giống lúa khác nhau. Trong khi đó, thực tiễn bảo hộ sáng chế về gen ở Việt Nam thì vẫn chưa có quy định pháp luật cụ thể về vấn đề chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen và tri thức liên quan đến nguồn gen; chưa xác định được giá trị và quyền sở hữu; nhận thức về vấn đề chia sẻ lợi ích còn hạn chế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cấp bách cho Việt Nam như nhanh chóng có chiến lược quốc gia về Bảo tồn đa dạng sinh học; thể chế hóa vấn đề tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; nâng cao năng lực quan lý về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích (gồm: thể chế, kỹ thuật, nhân lực, tài chính...); chú trọng truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; thường xuyên học tập kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các nước và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này...

Theo TTXVN, Lao động
  • 593