Bay qua hố băng rộng 82km trên sao Hỏa

  •  
  • 22.194

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chia sẻ video mô phỏng chuyến bay khám phá hố trũng Korolev với băng phủ quanh năm.

Các chuyên gia tổng hợp ảnh chụp từ camera HRSC trên tàu vũ trụ Mars Express Orbiter của ESA, kết hợp với dữ liệu địa hình để tạo ra cảnh quan 3D của hố trũng Korolev, IFL Science hôm 3/7 đưa tin. Trong video, chiếc hố lớn nổi bật trên bề mặt hành tinh đỏ với màu trắng xóa.

Chiếc hố lớn nổi bật trên bề mặt hành tinh đỏ với màu trắng xóa.
Chiếc hố lớn nổi bật trên bề mặt hành tinh đỏ với màu trắng xóa.

Hố trũng Korolev nằm ở phía nam của cực bắc sao Hỏa, rộng 82km và có lớp băng dày khoảng 1,8km quanh năm. Nguyên nhân là vì nơi này giống một chiếc bẫy lạnh tự nhiên. Không khí phía trên lớp băng có nhiệt độ thấp. Vì không khí dẫn nhiệt kém nên "tấm khiên lạnh" này không truyền nhiều nhiệt từ không khí nóng bên trên xuống vùng băng phía dưới. Thay vào đó, nó đóng vai trò giống một lớp bảo vệ ngăn băng tan chảy.

Hố trũng được đặt tên theo Sergei Pavlovich Korolev, người được mệnh danh là cha đẻ của công nghệ vũ trụ Nga. Ông có đóng góp lớn trong quá trình phát triển tên lửa R-7, tiền thân của tên lửa Soyuz, và chuyến bay đầu tiên của con người vào không gian do phi hành gia Yuri Gagarin thực hiện năm 1961.

Tàu vũ trụ Mars Express Orbiter rời bệ phóng tại sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, tháng 6/2003 và mất khoảng 6 tháng để tới sao Hỏa. Trong gần hai thập kỷ hoạt động, con tàu cung cấp rất nhiều thông tin giá trị cho giới khoa học, trong đó có việc phát hiện hồ nước lớn ở cực nam.

Cập nhật: 07/07/2020 Theo VnExpress
  • 22.194