Băng giá Bắc Cực không chỉ đang tan chảy vì biến đổi khí hậu mà còn chịu tác động bởi một bể nước ấm khổng lồ hình thành bên dưới vùng băng giá thuộc Bắc Canada.
Nghiên cứu mới công bố của Đại học Yale và Viện hải dương học Woods Hole (Mỹ) đã lý giải được phần nào lý do khiến Bắc Cực nóng lên nhanh gấp đôi so với tốc độ trung bình của sự nóng lên toàn cầu. Các dữ liệu thu thập trong suốt 30 năm cho thấy một nguồn nhiệt tại chỗ bí ẩn đã tác động lên vùng băng giá này.
Đó là một bể nước ấm ngầm, được tạo ra do biến đổi khí hậu để rồi quay lại làm trầm trọng thêm tác hại của biến đổi khí hậu.
Bắc Cực đang nóng lên với tốc độ gấp đôi tốc độ trung bình của sự nóng lên toàn cầu - (ảnh: THE GUARDIAN).
Lượng nước ấm này đến từ một dòng nước đặc biệt, chảy theo hướng nam đến vùng biển Chukchi, nơi ấm áp hơn và không còn là biển băng như nhiều năm về trước. Vì vậy, dòng nước tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và bị hâm nóng.
Sau khi bị hâm nóng, số nước này lại được gió Bắc Cực thổi ngược về phía Bắc, dồn lại thành một bể nước ấm ngầm mắc kẹt bên dưới lớp băng của cực Bắc. Nước ấm này lại là lớp nước trên cùng nên nó có thể làm tan băng mau chóng.
"Sự mất mát băng giá không chỉ ảnh hưởng đến các vùng trực tiếp bị tan băng, mà còn dẫn làm tích tụ nhiệt bên trong các vùng gần địa cực hơn của Bắc Băng Dương" - giáo sư Mary-Louise Timmermans, người đứng đầu nghiên cứu, nói.
Ước tính bể nước ấm bị mắc kẹt dưới băng Bắc Cực hiện đã rộng hàng trăm dặm. Nếu nước này tiếp tục tác động đến băng bề mặt, nó hoàn toàn đủ sức làm tan chảy hoàn toàn lớp băng giá của Bắc Băng Dương, gây ra sự tàn phá lớn lên hệ sinh thái và cả cuộc sống của con người khu vực này.
Đầu năm nay, hầu như tất cả băng bao phủ biển Bering ở Bắc Thái Bình Dương đã biến mất cả tháng trời, ảnh hưởng dến hoạt động đánh bắt cá của cư dân miền Tây Alaska (Mỹ). Trong năm qua, hình ảnh những chú gấu Bắc Cực gầy trơ xương, vật vã trong cái nóng cũng đã gây rúng động toàn cầu.
Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.