Bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

  •  
  • 458

Nhiễm trùng đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ. Thống kê cho thấy những phụ nữ đã lập gia đình có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu ít nhất một lần trong đời. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) xảy ra khi có sự xuất hiện của vi khuẩn ở bất kỳ cơ quan nào thuộc đường tiết niệu.

Những trường hợp nhẹ có thể điều trị đơn giản tại nhà bằng thuốc kháng sinh trong thời gian từ 3 đến 7 ngày. Những trường hợp nhiễm trùng lan lên thận – bể thận thì cần được nhập viện theo dõi và điều trị kháng sinh thông qua đường tĩnh mạch.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu

  • Buồn tiểu thường xuyên;
  • Tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, không kiểm soát được dòng chảy;
  • Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi, có mủ hoặc máu trong nước tiểu;
  • Người bệnh, đặc biệt là phụ nữ sẽ cảm thấy đau vùng xương mu;

Ngoài ra, tùy vào cơ quan bị nhiễm trùng, các triệu chứng khác nhau sẽ xuất hiện:

  • Nếu thận bị nhiễm trùng, bệnh nhân có thể bị sốt, buồn nôn, nôn mửa, hay run rẩy hoặc đau lưng;
  • Nếu bàng quang bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ thấy đau tức (bụng dưới), thường xuyên đi tiểu nhưng tiểu buốt và ra máu;
  • Nếu niệu đạo bị nhiễm trùng, bệnh nhân sẽ đi tiểu buốt và có dịch tiết ra từ niệu đạo;

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu

Phụ nữ dễ mắc bệnh nhiễm trùng tiết niệu hơn đàn ông.
Phụ nữ dễ mắc bệnh nhiễm trùng tiết niệu hơn đàn ông. (Ảnh minh họa).

  • Quan hệ tình dục không an toàn;
  • Giới tính: Niệu đạo nữ ngắn hơn nam nên con đường vi khuẩn đến bàng quang ngắn hơn, khiến nữ dễ bệnh hơn nam;
  • Sử dụng các biện pháp tránh thai như màng ngăn hoặc thuốc diệt tinh trùng có khả năng mắc bệnh cao hơn;
  • Sau mãn kinh, sự thiếu hụt estrogen gây thay đổi đường tiết niệu, làm bạn dễ nhạy cảm với nhiễm trùng hơn;
  • Trẻ sơ sinh có dị tật đường tiết niệu làm cho nước tiểu không thải ra ngoài như bình thường được hoặc làm nước tiểu ứ lại trong niệu đạo có nguy cơ mắc bệnh cao;
  • Bị sỏi hoặc tuyến tiền liệt phì đại có thể làm nước tiểu bị ứ lại trong bàng quang gây viêm;
  • Tiểu đường và các bệnh lý khác gây suy yếu hệ miễn dịch có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Cập nhật: 05/09/2019 Theo khampha
  • 458