Các chuyên gia mới đây cho biết thuốc chữa bệnh sốt rét giả, kém chất lượng đang tác động tiêu cực đến nỗ lực kiểm soát căn bệnh này ở châu Phi, đồng thời có thể đe dọa tính mạng của hàng triệu người.
Các loại thuốc giả có thể gây hại cho bệnh nhân - bị nhiễm kí sinh trùng sốt rét, dẫn tới tình trạng bệnh kháng thuốc, trên tạp chí Malaria đưa tin.
Theo WHO mỗi năm bệnh sốt rết cướp đi sinh mạng của hơn 800.000 người trên thế giới.
Các nhà điều tra cho biết phần lớn thuốc trị sốt rét dỏm có xuất xứ từ Trung Quốc. Năm 2006, cảnh sát đã bắt giữ một nghi can sản xuất và tiêu thụ thuốc trị sốt rét dỏm ở Vân Nam. Nghi can này đang vận chuyển 2.880.000 viên thuốc trị sốt rét dỏm, đủ để điều trị cho 250.000 người.
Các nhà khoa học từ bệnh viện Wellcome Trust-Mahosot và trường đại học Oxford đã kiểm tra và phát hiện thuốc trị sốt rét giả, kém chất lượng xuất hiện trên thị trường ở 11 quốc gia châu Phi từ năm 2002 đến năm 2010.
Họ cho biết một số thuốc giả có chứa thành phần độc tố bị cấm trong ngành dược phẩm. Ban đầu nó làm giảm bớt các triệu chứng của bệnh sốt rét nhưng không có công dụng chữa trị bệnh này.
Các nghiên cứu cho biết một số thành phần trong thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Đặc biệt người bệnh có thể uống phải một số hợp chất thuốc khác như thuốc kháng siêu virus (anti-retrovirals) được dùng để điều trị HIV.
Sau khoảng thời gian uống phải thuốc dỏm, ký sinh trùng sốt rét có thể phát triển khả năng kháng các loại thuốc đang được sử dụng để tiêu diệt nó. Điều này từng xảy ra trong quá khứ với các loại thuốc như chloroquine và mefloquine.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các loại thuốc giả cũng có thể làm mất tác dụng của hoạt chất artemisinin, một trong những loại thuốc hiệu quả nhất hiện nay đang được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét.
Họ phát hiện trong thuốc giả có chứa một lượng nhỏ hoạt chất artemisinin chỉ là để vượt qua các cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng. Tuy nhiên các thuốc chứa artemisinin ở mức thấp đó không đủ mạnh để tiêu diệt ký sinh trùng sốt rét, ngược lại làm chúng phát triển khả năng kháng hoạt chất này.
Tiến sĩ Paul Newton, trưởng nhóm nghiên cứu kêu gọi chính phủ các nước châu Phi sớm đưa ra các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn dòng thuốc trị sốt rét giả đang lưu hành tràn lan trong khu vực. Nếu không hành động kịp thời, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của hàng triệu người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai.
"Việc đầu từ rất lớn vào công tác phòng chống sốt rét là lãng phí nếu bệnh nhân không được chữa trị hiệu quả do vô tình sử dụng thuốc trị sốt rét giả, kém chất lượng", ông cho biết thêm.