Sao Hỏa (Hành tinh Đỏ) là một trong những mục tiêu chinh phục lớn nhất của con người trong Thái Dương Hệ.
Sau nhiều năm thu thập dữ liệu và nghiên cứu, các nhà khoa học Mỹ và NASA đã có phát hiện đột phá trên sao Hỏa: Lần đầu tiên, con người có thể giải mã nguồn sáng kỳ lạ trong bầu khí quyển của Hành tinh Đỏ.
Đó là kết quả dày công từ dữ liệu của tàu quỹ đạo MAVEN của NASA, đã nghiên cứu rất chi tiết về sao Hỏa kể từ năm 2014.
Khi màn đêm buông xuống vùng đồng bằng đầy bụi của sao Hỏa, một điều gì đó kỳ lạ và tuyệt vời đầy ma mị đã xảy ra. Bầu khí quyển trong đêm phát sáng với những chùm tia cực tím bí ẩn.
Trước sự ngạc nhiên lớn của nhóm các nhà thiên văn học Mỹ, chùm ánh ánh tia cực tím xuất hiện ba lần một đêm - nhưng chỉ vào mùa Xuân và mùa Thu. Trong thời gian này, vầng sáng xuất hiện xung quanh tâm hành tinh, phát triển mạnh hơn xung quanh các điểm phân.
Vào những thời điểm khác trong năm, vầng sáng rực rỡ nhất trên vùng cực khi Đông sang, mạnh nhất vào khoảng thời gian hạ chí. Ở đó, nó tạo thành các cấu hình bất ngờ - sóng và xoắn ốc.
Vùng xích đạo (trái) và vùng cực (phải) phát sáng. Nguồn: LASP.
"Ánh cực tím đến chủ yếu xuất hiện từ độ cao khoảng 70 km, với vùng sáng nhất có đường kính khoảng 1.000 km" - Nhà khoa học khí quyển Zachariah Milby thuộc Phòng thí nghiệm Vật lý Không gian và Khí quyển của Đại học Colorado Boulder cho biết.
Tác giả chính và nhà khoa học hành tinh Nick Schneider thuộc Đại học Colorado Boulder (Mỹ) cho biết: “Hoạt động của bầu khí quyển sao Hỏa cũng phức tạp và sâu sắc như khí quyển Trái Đất".
Zachariah Milby cho biết: "Nếu chúng ta đưa người lên sao Hỏa, chúng ta cần PHẢI hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra trong bầu khí quyển đó".
Sự phát sáng vô hình này, lần đầu tiên được quan sát bởi Sứ mệnh Mars Orbiter vào năm 2005. Sau nhiều năm quan sát và phân tích, nhà khoa học Mỹ nhận định: Hình ảnh đáng ngạc nhiên của nó chứng minh bầu khí quyển sao Hỏa lưu thông và thay đổi trong suốt một năm.
Trên thực tế, hiện tượng tương tự có thể quan sát trên sao Kim (gọi là Nightglow) có cùng nguyên nhân từ sự kết hợp của nitơ và oxy tạo thành Nitric oxit (Công thức hóa học: NO), mặc dù ở bước sóng gần hồng ngoại - nhưng chúng vẫn được quan sát thấy.
Cho đến nay, tàu quỹ đạo MAVEN của NASA vẫn tiếp tục chụp ảnh chi tiết về sao Hỏa bằng Máy quang phổ tia cực tím với tần suất 5 lần/ngày. Với những quan sát này, lần đầu tiên các nhà khoa học có thể theo dõi chuyển động của tia cực tím.
Sau khi tìm được nguồn gốc ánh sáng huyền diệu này, giới thiên văn học có thêm hiểu biết về cách bầu khí quyển của sao Hỏa lưu thông và thay đổi theo mùa, từ đó giúp dự đoán tốt hơn về thời tiết điên rồ của Hành tinh Đỏ.
Vẫn còn một số câu hỏi cần được giải đáp xoay quanh hành tinh này, nhưng nghiên cứu mới nhất này là một bước đi đúng hướng trong việc tìm hiểu 'hành vi' phức tạp của bầu khí quyển của sao Hỏa.
Trong Hệ Mặt Trời, sao Hỏa là hành tinh xếp vị trí thứ 4 tính từ Mặt Trời, cách Trái Đất chúng ta 54,6 triệu km. Đây là hành tinh được cho là từng tồn tại nước, sự sống và được cho là 'miền đất hứa' của người Trái Đất. Hiện tại, Hành tinh Đỏ đang là mục tiêu mà Mỹ, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hướng tới, Space.com thông tin.
Ngày 19/7/2020, UAE phóng tàu quỹ đạo "Hope" của mình lên sao Hỏa. Dự kiến, tàu sẽ đến quỹ đạo của sao Hỏa vào tháng 2/2021.
Sau đó, vào ngày 23/7, sứ mệnh Tianwen-1 của Trung Quốc được khởi động, đưa một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu lặn lên Hành tinh Đỏ, dự kiến đến sao Hỏa vào tháng 2/2021.
Ngày 30/7, tàu thăm dò sao Hỏa 2020 Perseverance của NASA cũng được phóng đi, với sứ mệnh hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero khổng lồ vào ngày 18/2/2021.
Tàu thăm dò sao Hỏa 2020 Perseverance của NASA. Nguồn: NASA/JPL-Caltech.
Cũng tại Mỹ, tỷ phú công nghệ Elon Musk - CEO của SpaceX (Công ty vừa đưa 2 phi gia NASA bay thành công lên Trạm Quốc tế ISS) - là cá nhân khát khao đặt chân đến sao Hỏa nhất thế giới. Hiện ông đang cùng SpaceX thiết lập nhiều kế hoạch chinh phục sao Hỏa trong tương lai.
Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý - Vật lý Vũ trụ (Journal of Geophysical Research - Space Physics).