Nhiều người biết bộ bài tây ngày nay có nguồn gốc từ bài Tarot thời trung cổ, nhưng nhiều người không biết rằng lá K cơ đã tự sát từ khoảng năm 1680.
Trong nhiều thế kỷ, nhiều bộ bài khác nhau đã được sử dụng ở các nền văn hóa khác nhau với những hình thức nghệ thuật và cách điệu khác nhau, nhưng việc chơi bài từng bị cấm đoán ở nhiều nơi trên thế giới trong quá khứ và các bộ bài giấy mỏng manh dễ bị phá hỏng hay mất mát.
Dấu tích về bộ bài tiêu chuẩn ngày nay không dễ tìm ra do không còn lại mấy bộ bài sống được qua thời gian. Một số người cho rằng việc sử dụng bài lá bắt đầu từ tận thời Ai Cập cổ đại, nhưng không có bằng chứng nào khẳng định điều này.
Lá bài K cơ.
Ở Trung Quốc khoảng năm 1.000, đã có trò chơi với những tấm thẻ giấy, nhưng chúng chỉ là công cụ cho một trò chơi xúc xắc. Bằng chứng đầu tiên về bài giấy là từ thế kỷ 14 ở châu Âu, xuất thân từ bộ bài Tarot.
Trong bộ bài Tarot phân làm hai phần. Phần Minor Arcana chia làm 4 nước với 14 lá mỗi nước (56 lá tất cả), tương đối giống với bộ bài tiêu chuẩn 52 lá ngày nay. Người Italy thêm vào 22 lá đặc biệt và gọi đó là Tarocco, hay Major Arcana. Tên gọi Tarot bắt nguồn từ Tarocco, dù bài Tarocco chỉ được dùng để bói từ những năm 1780.
Có rất nhiều cách bói bài, thay đổi tùy theo bộ bài, phương pháp bói và mỗi người xem bói. Phần bài Major Arcana sẽ là chỉ dẫn chung cho việc xem bói, trong khi phần Minor Arcana đưa ra những chỉ dẫn chi tiết. Mỗi lá bài có một ý nghĩa, và kết nối các ý nghĩa lại với nhau sẽ giúp người xem bói nói về quá khứ, hiện tại và tương lai của người được xem bói.
56 lá bài trong phần Minor Arcana dần biến thành bộ bài tiêu chuẩn 52 lá ngày nay, với việc loại ra 4 lá "Page", nằm giữa các lá 10 và J. Các nước cũng thay đổi. Gậy phép trở thành nhép (chuồn), đồng xu trở thành rô, gươm trở thành bích và ly (cốc) trở thành cơ.
Bài giấy xuất thân từ bài Tarot.
Trong cuộc đi tìm kiếm lá K cơ tự sát của chúng ta, chúng ta sẽ bắt nguồn từ lá K với chiếc cốt. Hầu hết những người bói bài Tarot coi lá K với chiếc cốc là một biểu tượng của sự thông minh điềm đạm. Rõ ràng điều này không liên quan gì tới việc tự sát. Nhưng rồi đâu đó trong lịch sử, điều này thay đổi.
Đầu tiên, phải thấy rằng rất nhiều hình trong các lá bài có gốc gác từ truyền thống hoàng tộc ở châu Âu Trung cổ, với các nghệ sĩ chế tạo bài khác nhau lại vẽ những gương mặt hoàng tộc khác nhau lên đó. Nhiều vị vua trong lịch sử đã được vinh danh trên bộ bài tây.
Dần dần với thời gian, một phiên bản đã tồn tại và nổi bật hơn tất cả những phiên bản khác. Rất nhiều người tin rằng khuôn mặt trong lá bài K cơ cũng là hình vẽ cách điệu của vua Charles Đại đế (tức Charlemagne). Nhưng do ông sống tới tận năm 71 tuổi (rất thọ vào năm 814), mối liên hệ với việc tự sát không có ý nghĩa ở đây.
Những người khác cho rằng lá K cơ là Alexander Đại đế, người qua đời ở tuổi 32 vào năm 323 trước công nguyên. Ông bị trụy tim, có thể vì sốc trước cái chết của người mà ông yêu mến Hephaestion, nhưng cũng có thể vì bị đầu độc.
Lá K cơ là cách điệu của vua Charles VII nước Pháp. (Ảnh: History.org).
Một giả thuyết khác là lá K cơ là cách điệu của vua Charles VII nước Pháp, người đã phát điên vì chứng ung thư vòm miệng và chết năm 1461 vì không thể ăn hay uống gì. Nhiều câu chuyện đã được kể về việc ông tự tay cắt cổ mình ra sao và "Vị vua tự sát" là để mô tả sự cố kinh hoàng này.
Giả thuyết cuối cùng, đây đơn giản là lỗi của người nghệ sĩ. Theo đó, không lâu trước năm 1680, một nghệ sĩ đã được thuê để thiết kế những lá bài mới dựa trên các lá bài Rouen của Pháp năm 1516, nhưng rồi nghệ sĩ này chỉ vẽ phần đầu thay vì cả thân hình. Có nhiều điểm tương đồng giữa bộ bài lá ngày nay và bộ bài Rouen để xác nhận điều đó, bao gồm quần áo và khuôn mặt giống nhau và việc quân K rô đều cầm rìu.
Trong bộ bài Rouen, cả hai quân K đỏ đều cầm rìu, nhưng quân K cơ giơ cao rìu như thể sắp xung trận. Vì không gian hạn hẹp của lá bài, nghệ sĩ chỉ cho thấy phần chuôi của lưỡi rìu. Các nghệ sĩ làm bài sau đó đã nhầm lẫn phần chuôi rìu đó với một lưỡi kiếm và ngày nay, ai cũng có cảm giác là quân K cơ đang tự sát.