Bề mặt bãi lầy bị bao phủ bởi than bùn - loại nhiên liệu hình thành từ chất hữu cơ phân hủy chậm trong môi trường ẩm ướt - đã âm ỉ cháy trong 5 năm qua giữa khu rừng Siberia.
Với một chiếc xẻng, Grigory Kuksin miệt mài xúc và đổ từng xô đất bùn vẫn đang âm ỉ cháy, trong một bãi lầy giữa khu rừng Siberia rộng lớn.
Cùng một nhóm nhỏ các tình nguyện viên cứu hỏa, anh đang bền bỉ chiến đấu chống lại những đám cháy ngầm dưới lòng đất có khả năng chịu lạnh, một hiện tượng thiên nhiên đáng quan ngại đang gia tăng ở Nga mà họ gọi là "bom khí hậu".
“Đây là lửa cháy ngầm dưới lòng đất - lửa "zombie", Kuksin, 40 tuổi, dẫn đầu đơn vị phòng chống cháy rừng của tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) ở Nga", cho biết.
Tình nguyện viên dập lửa cháy than bùn ở Siberia. (Ảnh: AFP).
Bãi lầy rộng lớn - bao phủ bởi rặng cây tầm ma và cây gai dầu um tùm - nằm giữa một rừng thông rậm rạp thuộc Khu bảo tồn Thiên nhiên Suzunsky. Nơi này cách Novosibirsk, thành phố lớn thứ ba của Nga, khoảng hai tiếng rưỡi lái xe về phía nam.
Bề mặt bãi lầy được phủ trong than bùn - một loại nhiên liệu hình thành từ chất hữu cơ phân hủy chậm trong môi trường ẩm ướt - đã và đang âm ỉ cháy được khoảng 5 năm, theo ước tính của Kuksin.
Nằm im lìm khoảng 1 mét dưới mặt đất, ngọn lửa vẫn tồn tại qua mùa đông lạnh cắt da cắt thịt ở Siberia do mực nước ngầm thấp - hậu quả của hạn hán thường xuyên.
“Nhưng than bùn không bao giờ tự bốc cháy. Vẫn là do con người”, Kuksin nói, chỉ ra rằng chỉ cần một điếu thuốc lá vứt ra là đủ để làm dấy lên ngọn lửa mà phải mất nhiều năm mới dập tắt được.
Các nhà khoa học cho biết Siberia và Bắc Cực đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu. Khu vực này đã ghi nhận nhiệt độ cao đáng kinh ngạc cùng các vụ cháy rừng ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh: AFP).
Qua mùa đông, khi vào hè, nhiệt độ tăng cao, ngọn lửa có thể bùng phát, đốt cháy lớp cỏ khô trên bề mặt và lan rộng.
"Đó là những gì xảy ra vào mùa hè năm ngoái", Sergei Akopov, 60 tuổi, một trong những lính cứu hỏa tình nguyện, cho biết. Ông đã tham gia dập lửa một đám cháy rừng bùng phát từ đầm lầy này năm ngoái.
"Chúng tôi thấy những con cáo và thỏ rừng chạy khỏi ngọn lửa", một luật sư, người đã nhiều lần vật lộn với các vụ việc liên quan tới đám cháy trong vài năm qua, nói.
Các nhà khoa học cho biết Siberia và Bắc Cực đặc biệt dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và đã ghi nhận nhiệt độ cao đáng kinh ngạc cùng các vụ cháy rừng ngày càng nghiêm trọng.
Các quan chức cho biết, vào tháng 6, thành phố Verkhoyansk ở Vòng Bắc Cực đã ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng có - 38 độ C, và khoảng 9 triệu ha rừng - bằng diện tích lãnh thổ Bồ Đào Nha - bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn trong năm nay.
Cháy than bùn đã trở thành một hiểm hoạ khí hậu: hiện tượng này tạo ra một lượng lớn khí cacbon dioxide thải vào khí quyển.
“Đó là một quả bom khí hậu”, Kuksin nói.
Đó còn là một vòng luẩn quẩn: các đám cháy bùng phát do biến đổi khí hậu lại tiếp tục giải phóng các loại khí làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu sẵn có.
“Chúng tôi đang đấu tranh chống lại hệ quả của biến đổi khí hậu và cả những nguyên nhân gây ra nó", ông cho biết thêm.
Nature gần đây đã ghi nhận sự gia tăng đáng báo động về tần suất xảy ra cháy than bùn tại các khu vực tiệm cận Bắc Cực, cả ở Bắc Mỹ và Nga.
Việc dập tắt các đám cháy than bùn thường phức tạp hơn so với cháy rừng thông thường.
Ekaterina Grudinina, 38 tuổi, điều phối viên của tổ chức Greenpeace ở Siberia và miền Viễn Đông, cho biết: “Để dập tắt đám cháy ở một vũng lầy, bạn phải làm nó ngập nước và trộn đất lên thật kỹ cho đến khi tạo thành một chất lỏng sền sệt”.
Gần đó, các tình nguyện viên phun nước bơm từ một đầm lầy lân cận lên cho mặt đất.
Để dập tắt đám cháy ở một vũng lầy, người ta phải làm nó ngập nước và trộn đất lên thật kỹ cho đến khi tạo thành một chất lỏng sền sệt. (Ảnh: AFP).
Khi đất bị trộn đều lên với nước, người ta đo nhiệt độ của lớp than bùn dưới lòng đất. Nếu nhiệt độ trên 40 độ C, quá trình được lặp lại.
"Đó là một công việc "bẩn thỉu"", Alexander Sukhov, một nông dân 38 tuổi, người năm ngoái đã thành lập nhóm tình nguyện được Greenpeace đào tạo, nói.
Nhóm cho biết các tình nguyện viên của họ bị bỏ mặc thực hiện công việc khó khăn mà không có sự trợ giúp từ các đơn vị xử lý tình huống khẩn cấp tại địa phương, những người mà, nhóm cho biết, cũng rất thiếu kỹ năng và kinh nghiệm dập lửa cháy than bùn.
“Họ còn vờ rằng ngọn lửa này không hề tồn tại trong suốt 5 năm qua", ông Kuksin nói.
Không nhận được hỗ trợ từ chính quyền địa phương, vào đầu tháng này, Kuksin đã báo cáo “vượt cấp” lên một quan chức bảo vệ rừng cấp cao ở Moscow để tìm sự ủng hộ.
Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Nga nói với AFP họ đã điều động ba phương tiện cùng sáu người, và lửa đã được dập tắt sau 24 giờ.
Kuksin cho biết, cả lính cứu hỏa chuyên nghiệp và tình nguyện đều đã rời đi, nhưng anh tin rằng ngay dưới mặt đất kia, "bãi lầy vẫn đang âm ỉ cháy".