Hồ Phủ Tiên lớn thứ ba ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), xếp sau hồ Điền Trì và hồ Nhĩ Hải. Nhưng trong ba hồ, nó là hồ sâu nhất, có nơi lên đến 155m.
Hồ Phủ Tiên, rộng 21km2 ẩn chứa trong lòng một “thành phố” cổ xưa, không ai biết trong hàng ngàn năm.
Hồ Phủ Tiên.
Trung Quốc nhật báo kể rằng, một ngày năm 2001, có một thợ lặn chuyên nghiệp tên là Cảnh Vĩ đã phát hiện ra điều kỳ lạ dưới đáy hồ Phủ Tiên. Thứ mà Cảnh tìm thấy là một số vật liệu bằng đá bao gồm các phiến đá lát đường, các nền đá bám đầy rêu. Cảnh Vĩ tin rằng các phiến đá này có từ rất xa xưa. Tuy nhiên, vì sao chúng lại ở dưới đáy hồ? Nguồn gốc của chúng từ đâu? Cảnh bỗng nhớ lại một truyền thuyết đầy bí ẩn về hồ Phủ Tiên. Dân địa phương thường nói vào những ngày đẹp trời, đứng trên núi gần đó có thể nhìn thấy hình bóng của một đô thị ở đáy nước.
Đây có phải là đô thị cổ được nói trong truyền thuyết? Để giải mã câu hỏi này, Cảnh đã thực hiện 38 lần lặn khảo sát. Cuối cùng, ảnh viết một báo cáo gửi tới các cơ quan chức năng và chuyên gia ở tỉnh Vân Nam.
Để làm sáng tỏ bí ẩn, người ta phái đến hồ Phủ Tiên một đội khảo cổ có trang bị tàu ngầm. Họ đã phát hiện thêm nhiều khối đá vuông vức nằm rải rác ở đáy hồ. Với sự hỗ trợ của các thiết bị tìm kiếm hiện đại, họ đã nhìn thấy, trên màn hình của thiết bị cảm biến, bên cạnh nhiều tấm đá lát đường là những mảng tường cũng bằng đá. Có cả những đoạn bậc đá cao. Đá lát đường phủ đầy rêu có vẻ như đã làm khai lộ một đô thị cổ xưa vì lý do nào đó đã chìm xuống đáy hồ.
Khu đô thị mới bên hồ Phủ Tiên.
Đội khảo cổ tiến hành đo đạc phạm vi của khu di tích dưới đáy hồ Phủ Tiên và thấy là nó cực kỳ lớn, dấu tích của các công trình xây dựng có khắp mọi nơi. Sau nhiều ngày quan sát và phân tích, các nhà khảo cổ ước tính diện tích khu phế tích là từ 2,4-2,7km2. Vậy khu phế tích này từ đâu mà có?
Một số chuyên gia tin rằng đây có thể là tàn tích của đô thị cổ Dự Viên, biến mất một cách bí ẩn nhiều thế kỷ trước.
Sách Hán thư (ghi chép lịch sử Trung Quốc từ thời Tây Hán 206 trước CN tới thế kỷ thứ 9 sau CN) ghi rằng thành Dự Viên nằm ở phía bắc hồ Phủ Tiên.
Liệu đây có phải là đô thị được ghi trong sách Hán thư? Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu đầu tiên phải xác định niên đại của khu phế tích, xem có trùng hợp với những gì lịch sử đã ghi nhận không. Họ phải tìm thấy các đồ vật có tương tác với đời sống thường nhật, có dấu tích sử dụng của con người. Sau cuộc khảo sát kéo dài hai tuần, các nhà khảo cổ đã tìm thấy một số đồ dùng bằng đất nung.
Các chuyên gia tin rằng, từ các đồ dùng đất nung này, có thể kết luận khu phế tích này có từ thời Đông Hán. Tuy nhiên, để xác định niên đại chính xác hơn, họ phải tìm các vật thể có thể ứng dụng công nghệ thử carbon.
Sau nhiều lần thất bại, các nhà khảo cổ cuối cùng đã xác định vật thể tìm thấy ở khu phế tích có tuổi đời 1750 năm. Điều này chứng tỏ đô thị cổ đã bị chìm trong thời nhà Hán. Tuy nhiên, tới thời nhà Đường, sách sử vẫn ghi nhận sự tồn tại của thành cổ Dự Viên. Do đó, khu phế tích không phải là phố cổ Dự Viên.
Công trình đá dưới đáy hồ.
Một số chuyên gia lại tin rằng, kết cấu của đô thị cổ dưới đáy hồ cực kỳ giống với kiểu kiến trúc của Điền quốc, nước có nền văn minh phát triển cao. Sau năm 86 trước CN, Điền quốc biến mất một cách bí ẩn.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn tỏ ra hoài nghi, bởi khảo cổ học là một quá trình lâu dài và phức tạp. Giải quyết các câu hỏi đặt ra về khu phế tích cần nhiều thời gian và nghiên cứu công phu.
Năm 2014, một đội khảo cổ tiếp tục tìm thấy các bằng chứng khảo cổ về đô thị dưới đáy hồ. Một cuộc tìm kiếm được tiến hành ở phía đông hồ Phủ Tiên kéo dài 20 ngày, cho phép các nhà khoa học lập bản đồ các phần của khu phế tích, chụp ảnh và, có lẽ quan trọng nhất, là tìm thấy thêm hàng chục điểm phế tích chìm trong quên lãng từ hàng ngàn năm.
Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Nghiên cứu văn hóa Trung Quốc và Đại học Vân Nam đã tiến hành các phiên điền dã, thu thập được 442 vật tạo tác bằng đá.
Số vật thể này được phân tích kỹ lưỡng hơn khi được đưa về các phòng thí nghiệm. Trong khi thực hiện các chuyện lặn khảo sát, các nhà khoa học đã chụp lại được nhiều bản khắc đá, ghi hình nhiều địa điểm, phế tích. Đội khảo cổ nói trên các bản khắc đá có những ký tự, hình vẽ tương tự như trong sách Kinh Dịch, có các hình vẽ bộ phận sinh dục ngoài của đàn ông và đàn bà, hình mô tả mặt trăng và mặt trời. Người ta đếm được 30 tòa nhà, các bức tường, các đoạn đường lát đá.
Một con đường lát đá.
Giáo sư khảo cổ học Hoàng Ý Lục của Đại học Tổng hợp Vân Nam nói với các phóng viên: “Cuộc điều tra của chúng tôi nhắm vào các kết quả khảo sát do Đài Truyền hình Trung ương CCTV tổ chức vào các năm 2001 và 2006”. Các cuộc khảo sát này đều dùng tới thiết bị lặn, thực ra đã tạo ra nhiều đồn đoán hơn là cung cấp các bằng chứng chắc chắn về mặt học thuật. Lúc đó đài CCTV thường xuyên gọi khu phế tích ở hồ Phủ Tiên là “Pompeii Trung Quốc” hay “Atlantis Trung Quốc”.
Tuy nhiên, cho đến nay, thứ người ta chắc chắn nhất về phế tích hồ Phủ Tiên là nó ra đời cùng thời và có mối liên hệ nào đó với Điền quốc. Theo giáo sư Hoàng, không có bất cứ ghi nhận lịch sử nào trong sách sử Trung Quốc về một nền văn minh đồ đá tiên tiến có niên đại như các phân tích carbon đã xác định. Mặc dù hồ Phủ Tiên là hồ sâu thứ hai Trung Quốc, các lần lặn khảo sát gần đây mới chỉ xuống tới độ sâu 7m, nên còn rất nhiều điều chờ các nhà khoa học khám phá.