Igbo-Ora của Nigeria và làng Kodinhi của Ấn Độ là những nơi kỳ lạ và đầy bí ẩn khi sản sinh ra nhiều cặp sinh đôi nhất thế giới với tỉ lệ tăng nhanh chóng mặt. Nhiều nhà khoa học đã dày công giải thích nhưng các lí giải dường như chưa thỏa đáng.
Igbo-Ora, nằm cách thành phố đông dân nhất châu Phi Lagos 80km, là một trong số những thị trấn kỳ lạ nhất ở Nigeria khi có nhiều gia đình tại đây sinh đôi với tỷ lệ nhiều nhất thế giới.
Người dân của thị trấn Igbo-Ora chủ yếu là nông dân và thương nhân. Thị trấn này được mệnh danh là “Thị trấn sinh đôi của thế giới” vì tỉ lệ sinh đôi ở đây cao nhất thế giới. Hầu như nhà nào trong thị trấn này cũng có ít nhất một cặp sinh đôi.
Trong khi có những suy đoán rằng, việc sinh con có thể là do di truyền, nghiên cứu cho thấy việc sinh nhiều con có thể liên quan đến thói quen ăn uống của phụ nữ trong khu vực này.
Sắn khá phổ biến trong chế độ ăn kiêng của người Yoruba vì nó có thể được ăn dưới nhiều dạng như Amala, Garri, Fufu,... Ngoài ra còn có nhiều món hầm đặc trưng của người Yoruba. Nghiên cứu về các trường hợp sinh đôi được thực hiện tại Bệnh viện Giảng dạy Đại học Lagos của Nigeria chỉ ra hàm lượng hóa chất cao được tìm thấy trong vỏ của củ sắn và khoai mỡ được tìm thấy ở phụ nữ Yoruba.
Theo một cuộc phỏng vấn của BBC năm 2001, một bác sĩ tư vấn phụ khoa, người từng chứng kiến nhiều trường hợp sinh nhiều con tại bệnh viện, cho biết: "Những chất này thường liên quan đến việc rụng nhiều hơn một quả trứng. Điều đó có nghĩa là có thể có yếu tố môi trường thúc đẩy nồng độ cao của chất hóa học này”.
Nhiều công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, "thức ăn từ củ của phụ nữ Yoruba, đặc biệt là vỏ, có chứa một lượng rất lớn các chất hóa học này. Những phụ nữ ở vùng này có một lượng lớn các hóa chất này trong cơ thể của họ một cách bất thường và điều này khuyến khích việc giải phóng nhiều hơn một quả trứng. Có đủ lý do để tin vào giả thuyết này”.
Tuy nhiên, người đứng đầu cộng đồng Igbo-Ora đã liên hệ những ca sinh nở với món súp họ ăn với những loại củ này rằng: “Chúng tôi ăn rất nhiều lá đậu bắp hoặc súp Ilasa. Chúng tôi cũng ăn nhiều khoai mỡ và những chế độ ăn này ảnh hưởng đến việc sinh nhiều con”.
Mặc dù không có lời giải thích hay bằng chứng khoa học nào có thể chứng minh rằng, việc ăn sắn hay khoai lang có thể gây ra đa thai, nhưng liệu súp Ilesa của người Nigeria có phải là lý do khiến tỷ lệ sinh đôi cao ở Igbo-Ora?
Tiến sĩ Lawrence, giảng viên bộ môn Sản phụ, Đại học Y khoa York, Anh quốc cho biết có thể khoai mỡ hoặc đậu bắp trồng ở làng Igbo-Ora có chứa những chất thúc đẩy cơ thể phụ nữ sản sinh ra gonadotropins, một tác nhân hóa học kích thích sự rụng trứng. Thay vì chỉ rụng 1 trứng, họ lại rụng 2 trứng trong cùng một chu kỳ, nhưng bác sĩ Ekujumi Olarenwaju, giảng dạy tại đại học Y khoa Lagos lại có cách giải thích khác: “Qua nhiều năm theo dõi, tôi thấy có những phụ nữ ở Igbo Ora sinh đôi do 2 tinh trùng cùng thụ tinh trong 1 trứng chứ không nhất thiết là phải có 2 trứng nên nguyên nhân có thể là do biến đổi gene”.
Với nhóm nghiên cứu của Bác sĩ Davis Pollock, Đại học Y khoa John Hopkins, Mỹ thì: “Trong 2 năm, chúng tôi được 10 phụ nữ tình nguyện tham gia thử nghiệm ngay trước ngày họ lấy chồng. Bằng cách siêu âm buồng trứng, chúng tôi xác định cả 10 người chỉ rụng 1 trứng nhưng khi họ có thai được 6 tuần, 3 trong số 10 người này là thai đôi. Điều đó giải thích rằng đã có 2 tinh trùng của người chồng thụ tinh trong 1 trứng nhưng tại sao lại có tỉ lệ cao như vậy thì chúng tôi không thể trả lời”.
Một người phụ nữ chụp ảnh cùng cặp song sinh của mình trước Lễ hội song sinh thế giới Igboora ở Igbo-Ora. (Ảnh: AFP).
Các nhà khoa học đang nghiên cứu các yếu tố di truyền và sự hấp dẫn của những người sinh đôi có thể giúp họ dễ dàng tìm được bạn đời, từ đó tăng cơ hội sinh con. Dù cho lý do là gì, người dân Igbo-Ora đều đồng lòng rằng sinh đôi là một phước lành - đặc biệt là trong bối cảnh Nigeria đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong một thế hệ.
Cô Suliat Mobolaji, 30 tuổi, vừa sinh đôi cách đây 8 tháng. Cô đã không giấu nổi niềm vui khi nói về điều này: “Việc sinh đôi đã thay đổi cuộc đời tôi. Bạn không thể sinh đôi mà không gặp may mắn. Đó là món quà từ Chúa trời”.
Lễ hội vào cuối tuần qua càng làm tăng thêm niềm hạnh phúc ấy. Một tấm thảm đỏ được trải dài cho hàng loạt cặp sinh đôi từ già đến trẻ, tất cả đều diện trang phục đôi, từ những bộ đồ truyền thống làm từ vải adire, đến cặp bé gái nhỏ nhắn diện váy tím và đeo túi xách giống nhau. Hàng chục cặp sinh đôi khác cũng tấp nập khắp các con đường của thị trấn.
Các nhà tổ chức, cũng là những cặp sinh đôi, đang kỳ vọng xác lập kỷ lục thế giới về số lượng cặp sinh đôi tham dự đông nhất tại một sự kiện. Hai anh em sinh đôi Taiwo và Kehinde Oguntoye, 39 tuổi, còn dự định tổ chức một đám cưới tập thể cho các cặp sinh đôi vào năm tới.
Anh Taiwo tự hào cho biết: “Sinh đôi mang đến may mắn, danh tiếng và tài lộc. Đó là lý do vì sao người Yoruba chúng tôi luôn chào đón sự ra đời của các cặp sinh đôi, và có lẽ cũng là lý do Chúa đã ban cho chúng tôi số lượng các cặp sinh đôi cao nhất thế giới”.
Các bác sĩ ở Ấn Độ đang phải vắt óc để giải câu đố về hơn 220 cặp song sinh được sinh ra từ 2.000 gia đình tại ngôi làng xa xôi Kodinhi ở Kerala. Các chuyên gia thắc mắc về hiện tượng sinh đôi hiếm gặp, cao gấp gần 6 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Năm 2008, 300 phụ nữ đã sinh con khỏe mạnh và trong số đó có 15 cặp song sinh đã chào đời tại làng. Theo điều tra dân số, 60 cặp song sinh đã được sinh ra trong 5 năm qua ở làng Kodinhi. Như vậy, tỷ lệ sinh đôi đang tăng lên mỗi năm và dự kiến sẽ phá vỡ kỷ lục trước đó vào năm 2017.
Bác sĩ Krishnan Sribiju, tại Kerala, người có nghiên cứu khoa học về việc sinh đôi, đã cố gắng đi sâu vào bí ẩn về số lượng lớn các ca sinh đôi ở Kodinhi trong hai năm. Ông cho rằng số lượng cặp song sinh thực tế trong làng còn nhiều hơn số liệu chính thức được ghi trên giấy tờ. Tiến sĩ Sribiju nói: “Theo tôi, có khoảng 300 đến 350 cặp song sinh trong làng Kodinhi”.
Ông cũng cho biết thêm: “Điều thú vị là số lượng cặp song sinh ngày càng tăng qua mỗi năm, đến mức tôi cảm thấy trong 10 năm qua số lượng cặp song sinh ở Kodinhi đã tăng gấp đôi”.
Dân làng kể rằng, việc sinh đôi đã có từ ba thế hệ trước. Tiến sĩ Sribiju cho biết thêm: “Theo hiểu biết nhiều nhất của tôi, điều kỳ diệu về mặt y học này đã bắt đầu từ khoảng 60 đến 70 năm trước”.
Theo ông, nguyên nhân có thể xảy ra hiện tượng sinh đôi này có thể là do đồ ăn thức uống của dân làng. Tiến sĩ Sribiju cho biết: “Nếu không có thiết bị phân tích sinh hóa chi tiết, tôi không thể nói chắc chắn lý do dẫn đến việc sinh đôi, nhưng tôi cảm thấy nó liên quan đến những gì dân làng ăn uống”.
Ông nói thêm rằng, ông đã loại bỏ các yếu tố di truyền hoặc bất kỳ chất gây ô nhiễm chưa biết nào có thể là lý do đằng sau tính chất cục bộ của ngôi làng.
“Xét đến tỷ lệ sinh đôi thấp ở Ấn Độ, đặc biệt là ở châu Á, thật đáng ngạc nhiên khi chứng kiến một ngôi làng ở Ấn Độ có số lượng sinh đôi áp đảo. Tỷ lệ sinh đôi trên toàn cầu, đặc biệt là ở các nước phương Tây, đã tăng lên nhờ thụ tinh nhân tạo. Ngoài ra, cặp song sinh thường được sinh ra ở những phụ nữ lớn tuổi. Ở Kodinhi thì điều đó không xảy ra vì độ tuổi hôn nhân ở đây diễn ra trẻ hơn nhiều, vào khoảng 18–20 tuổi,” Tiến sĩ Sribiju nói.