Được sinh ra cùng trứng, có bộ ADN giống hệt nhau nhưng không phải cặp song sinh cùng trứng nào cũng giống nhau. Tại sao lại có hiện tượng như vậy? Tuy những cặp song sinh chỉ chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn trong tổng số hơn 7 tỷ dân trên toàn thế giới, nhưng những bí ẩn xung quanh họ vẫn luôn khiến nhiều nhà khoa học quan tâm.
Vợ chồng Tracey và Davood Bageban (Anh) là cặp vợ chồng đầu tiên trên thế giới có 2 cặp song sinh cùng ngày sinh 27-2.
Để tìm lời giải cho những thắc mắc trên, các nhà khoa học ở Australia đang tiến hành một công trình nghiên cứu quy mô với hơn 200 cặp song sinh khác nhau. Trong số trường hợp được nghiên cứu, Lucie Kennedy và Julia Kennedy là một trong những cặp song sinh cùng trứng. Bộ ADN của hai em bé gái này giống hệt nhau, nhưng hai em không hoàn toàn giống nhau, thậm chí vẫn có nhiều đặc điểm, hành động khác nhau. Với các nhà nghiên cứu Australia, đây là một lĩnh vực mới của khoa học và được gọi là "biểu sinh học", hay nói cách khác là "dấu vân di truyền". Phát hiện này được xem là chìa khóa quan trọng giúp các nhà khoa học có thể giải mã sự bí ẩn của cấu trúc gen.
Tiến sĩ Richard Saffery - Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch có trụ sở tại Melbourne (Australia) - người trực tiếp nghiên cứu công trình này giải thích: "Biểu sinh học như là trung tâm chỉ huy cho gen. Biểu sinh học, về cơ bản có liên quan đến một loạt những phản ứng hóa học và các biến thể khác có thể điều chỉnh cách cư xử gen của chúng ta. Nó cũng cho biết gen đó đang được bật hay tắt, có thể làm cho gen đó xuất hiện hay mất đi. Về cơ bản, biểu sinh học kiểm soát tất cả các hoạt động của gen".
Các nhà khoa học của Viện Murdoch đang nghiên cứu hơn 200 bộ gen của các cặp song sinh ở Australia. Tiến sĩ Jeff Craig cho hay, các cuộc xét nghiệm đã phát hiện thấy những dấu hiệu biểu sinh học khác nhau lúc mới sinh. Tiến sĩ Jeff Craig nói: "Chúng tôi đã đo được mức biểu sinh của các cặp song sinh cùng trứng lúc mới sinh cũng như mức độ hoạt động của gen có sự chi phối của những biểu sinh này và chúng tôi nhận thấy những cặp song sinh này có những điều khác nhau khi sinh ra. Hầu hết sự khác biệt này có từ khi còn trong bụng mẹ. Một số cặp song sinh cùng trứng, có cùng ADN, nhưng các bà mẹ thì không tin rằng 2 đứa con sinh đôi của họ là cùng trứng vì nhìn chúng rất khác nhau".
Bà Caroline Kennedy, mẹ của Lucie và Julia cho biết, mặc dù nhìn hai cô con gái của bà có vẻ giống nhau nhưng thực tế giữa chúng có rất nhiều khác biệt về ngoại hình. Một đứa to cao hơn, một đứa tóc dài hơn và xoăn hơn. Thói quen ngủ và sở thích ăn uống cũng khác nhau. Lucie và Julia chỉ là hai trong số khoảng 77 triệu cặp song sinh trên thế giới.
Thống kê chưa đầy đủ của các nhà khoa học cho thấy, xác suất tỷ lệ sinh đôi là 1/85, sinh ba là 1/7.000, sinh tư là 1/680.000. Trong đó, người da đen có tỷ lệ song sinh cao nhất (1/100), người Trung Quốc và Nhật Bản có tỷ lệ thấp nhất (1/500). Các nhà khoa học cho biết, song sinh được di truyền qua người mẹ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên, một số yếu tố khác cũng góp phần làm tăng tỷ lệ song sinh như phụ nữ to cao sinh con sau 35 tuổi, những phụ nữ sống ở vùng môi trường bị ô nhiễm…
Những khám phá về các cặp song sinh thật thú vị, trong đó nhiều cặp sinh đôi được nuôi tách riêng và không hề liên lạc với nhau, nhưng lớn lên vẫn làm cùng nghề, kết hôn cùng ngày tháng. Tuy nhiên bên cạnh đó, những quan niệm của người dân mỗi quốc gia trên thế giới về hiện tượng song sinh cũng khác nhau. Ở Trung Phi, cha mẹ các cặp song sinh được xem là có khả năng ảnh hưởng tốt đến mùa màng, tiếp được sức mạnh, năng lượng cho đất đai. Trong khi nhiều nơi lại cổ hủ cho rằng trong cặp song sinh, một người là biểu hiện cái thiện, người kia tượng trưng cho cái ác và một trong hai đứa trẻ bị loại ra khỏi bộ tộc.
Các nhà khoa học Australia cho biết, họ tiếp tục nghiên cứu những cặp song sinh này trong một thời gian dài để xem những dấu hiệu di truyền của chúng có thay đổi theo thời gian hay không. Họ tin rằng, việc nghiên cứu về các cặp song sinh là chìa khóa để tìm ra những phương cách hữu hiệu chữa trị các căn bệnh nan y hiện nay như các bệnh về tim, ung thư và tiểu đường.