Trong quá khứ, nhiều thuyền chở ngựa từng bị mắc kẹt tại vùng biển Sargasso trong nhiều tuần, khiến thủy thủ phải vứt bớt ngựa xuống.
Sargasso, nằm ở phía Bắc Đại Tây Dương, là vùng biển duy nhất trên Trái Đất không có bờ. Mặc dù chiếm tới 2/3 diện tích của Đại Tây Dương, nhưng vùng nước kỳ lạ này lại được bao phủ bởi… chính nước biển chứ không phải đất liền.
Vị trí của biển Sargasso trên Google Maps. (Ảnh: MFacts).
Không giống như các đại dương khác, Sargasso không được hình thành theo những vùng đất xung quanh nó, mà bởi 4 dòng chảy đại dương nằm trong dòng Hoàn lưu Cận nhiệt đới: dòng Vịnh Gulf Stream, dòng Bắc Đại Tây Dương, dòng Canary và dòng xích đạo Bắc Đại Tây Dương. Những dòng nước này tuần hoàn theo dạng elip xuôi chiều kim đồng hồ bên trong Đại Tây Dương và giúp xác lập các biên giới liên tục thay đổi của biển Sargasso.
Với 1.600km chiều rộng và 4.800km chiều dài, vùng biển mênh mông này được đặt tên từ một chi rong biển được gọi là Sargassum. Sargassum là một loại tảo nâu nổi tự do trên mặt nước. Nó có một đặc điểm duy nhất là thay vì sống dưới đáy biển, nó sản sinh ngay trên mặt nước.
Dòng chảy xung quanh đã khiến toàn bộ tấm thảm rong biển từ từ quay theo chiều kim đồng hồ. Việc quay cũng phụ thuộc vào điều kiện thời tiết xung quanh. Một số thủy thủ Bồ Đào Nha lần đầu tiên phát hiện ra biển Sargasso vào đầu thế kỷ 15. Christopher Columbus khi đi qua đây vào năm 1492 đã nghĩ rằng nhất định phải đến được vùng đất liền có bề mặt màu nâu dày đặc.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh loạt rong biển không vào khu vực này bởi dòng nước. Chúng có nguồn gốc từ khu vực này, phát triển mạnh mẽ tới hàng trăm km. Mặc dù Nam Thái Bình Dương và Bắc Thái Bình Dương có những dòng chảy tương tự, không ghi nhận nào cho thấy sự hình thành của thảm rong biển ở đó. Nhiều tàu thuyền khi đi qua khu vực này thi thoảng trở nên bất động bởi những cơn gió yếu. Rong biển dày cũng góp phần trong việc trì trệ thời gian di chuyển của tàu.
Điểm giúp du khách phát hiện ra được họ đã đến biển Sargasso chính là lượng lớn tảo nâu nổi trên mặt nước. (Ảnh: MFacts).
Không chỉ là nơi trú ngụ cho tôm, cua và cá, loài tảo nổi này còn là một nơi tập trung các đàn rùa con và những loài lươn quý hiếm. Mỗi năm, các sinh vật biển lớn như cá voi lưng gù, cá mập và chim di cư vào biển Sargasso, lùng sục khắp đám rong biển trôi nổi để tìm mồi.
Những ai muốn đi vào vùng biển Sargasso sẽ phải cẩn thận với những đảo rác Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Garbage Patch). Đảo này được hình thành khi rác thải mắc kẹt giữa các dòng chảy của Sargasso, với số lượng lên tới 200.000 mảnh rác cho mỗi km2. Thành phần của chúng chủ yếu là những hạt nhựa siêu nhỏ (microplastic), nhỏ hơn một phần mười kích thước của một chiếc kẹp giấy, bị gió thổi ra biển từ các bãi rác và do con người vứt thẳng xuống biển.
Biển Saragasso được nhiều người biết đến nhờ vị trí địa lý độc đáo của mình và thu hút nhiều tour du thuyền chở khách đến tham quan. (Ảnh: Earthobservatory).
Có thời điểm biển Sargasso có biệt danh là Vĩ độ Ngựa (Horse Latitudes). Cái tên này hình thành do có rất nhiều thuyền chở ngựa bị mắc kẹt tại đây trong nhiều tuần, buộc thuyền viên phải ném bớt chúng xuống biển để giảm tải trọng. Những nhà thám hiểm thời đó cho rằng sự cố này là do tảo Sargassum dày đặc, nhưng cho đến nay điều đó vẫn chưa được chứng minh. Giờ đây, mặt biển lặng và không có gió mạnh được cho là nguyên nhân khiến các con thuyền di chuyển chậm trong vùng biển này.