Bi kịch của "người sói" bị đối xử như thú vật

  •  
  • 1.391

Từ khi sinh ra, Petrus Gonsalvus đã mắc căn bệnh khiến cơ thể mọc đầy lông. Ngoại hình kỳ quái, ông trở thành "vật nuôi" trong các gia đình quý tộc.

Petrus Gonsalvus tên thật là Pedro Gonzalez, sinh năm 1537 tại Tenerife (thuộc quần đảo Canary, Tây Ban Nha). Từ khi sinh ra đời, Petrus đã mắc hội chứng Hypertrichosis (hay bệnh Ambras) khiến cơ thể mọc đầy lông. Căn bệnh khiến khuôn mặt và cơ thể ông phủ kín lớp lông rậm rạp, bị người đời xa lánh, coi là ác quỷ. Petrus cũng là trường hợp đầu tiên trên thế giới mắc căn bệnh này.

Bị tước bỏ thân phận, ép uống máu và ăn thịt sống

Theo một số tài liệu, Petrus Gonsalvus vốn thuộc dòng dõi Mencey, tộc trưởng của thổ dân Canary. Sau khi quần đảo này bị Tây Ban Nha chiếm được, toàn bộ cư dân trở thành nô lệ. Số phận của Petrus từ đó cũng phải chịu những đày đọa độc ác.

Bị coi là quái thú, Hoàng gia Tây Ban Nha đối xử với Petrus như một sinh vật mọi rợ kỳ lạ từ khi ông còn nhỏ. Họ bắt giữ, nhốt vào buồng giam kín và xiềng xích Petrus như làm với các loài vật hoang dã. Thức ăn của ông là thịt sống, máu và các loại đồ thừa cho động vật.

Petrus Gonsalvus và vợ.
Petrus Gonsalvus và vợ. (Ảnh: Allthatsinteresting).

Thế kỷ XVI, những người có vẻ ngoài kỳ dị như Petrus thường trở thành món hàng mua vui cho giới quý tộc. Họ bị mang bán hoặc tặng như một vật nuôi để thể hiện đẳng cấp. Năm 1547, khi vừa 10 tuổi, Petrus bị tống xuống tàu sang Pháp để tặng cho Vua Henry Đệ nhị nhân dịp nhà vua đăng quang.

Lúc đó, Petrus không thể nói chuyện ngay cả khi những người xung quanh giao tiếp bằng tiếng Anh hay tiếng Tây Ban Nha. Ông đã bị bỏ rơi và trở thành "cậu bé rừng xanh" đúng nghĩa. Khi tiếp xúc với con người, Petrus run rẩy và sợ hãi như con thú bị tước khỏi nơi trú ẩn an toàn. Nhà vua ra lệnh cho các bác sĩ nghiên cứu trường hợp kỳ lạ này. Trước mọi câu hỏi, ông chỉ thì thầm từ "Pedro Gonzalez". Vì vậy, Vua Henry Đệ nhị đã đặt tên cho ông là Petrus Gonsalvus - một cái tên dành cho giới quý tộc.

Nhờ sự giúp đỡ của vị vua nước Pháp, Petrus dần dần đã học nói và lấy lại ý thức của một con người bình thường. Ông nhanh chóng thể hiện khả năng học hỏi nhanh, thông thạo ba ngoại ngữ và được nhà vua bảo hộ. Petrus được ban tặng quần áo đẹp, được tham dự tòa án hoàng gia như bất kỳ quý ngài nào khác.

Bi kịch không hồi kết của gia đình "người sói"

Năm 1555, nhà vua bị giết trong cuộc thi cưỡi ngựa đấu thương. Hoàng hậu Catherine tiếp tục quản lý "tài sản" Petrus và cho ông kết hôn, sinh con. Nhưng đó không phải là điều dễ dàng, ngoại hình của Petrus khiến không ít cô gái khóc ngất vì sợ hãi sau lần gặp đầu tiên.

Ông kết hôn với Catherine, con gái một người hầu vô danh do Hoàng hậu chọn. Đêm tân hôn, Hoàng hậu và các bác sĩ theo dõi từng cử chỉ của hai vợ chồng. Họ hào hứng nhìn "sủng vật" quan hệ, đặt cược mạng sống của cô gái và chờ mong những đứa trẻ ra đời.

Bức chân dung không đầy đủ về gia đình "người sói" Petrus Gonsalvus.
Bức chân dung không đầy đủ về gia đình "người sói" Petrus Gonsalvus. (Ảnh: Twitter).

Vợ chồng Petrus đã có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc với hai người con trai khỏe mạnh, bình thường. Nhưng con trai thứ ba, thứ tư và ba cô con gái sau đó đều bị rậm lông. Sự xuất hiện của gia đình "người sói" khiến giới quý tộc quốc tế tò mò. Họ được Công tước Ranuccio Farnese bảo hộ và tự do đi lại trong các nước châu Âu.

Công tước Ranuccio còn dành riêng cho gia đình Petrus một dinh thự sang trọng. Cả gia đình sống viên mãn như những công dân bình thường. Nhưng đến cuối đời, khi trút hơi thở cuối cùng năm 81 tuổi, Petrus không được xức dầu thánh lên trán. Điều đó có nghĩa ông không thể được chôn cất trong nghĩa trang và cuối cùng, Petrus vẫn bị xem như một con vật. Bốn đứa con "người sói" sau đó đều bị Công tước Ranuccio biến thành tặng phẩm và trở thành "vật nuôi" của giới thượng lưu.

Cập nhật: 02/07/2019 Theo Zing
  • 1.391