Nhiều người trong chúng ta thường có lúc cảm thấy quá tải khi không có đủ thời gian để hoàn thành tất cả mọi việc được giao. Nếu bạn đang vất vả xoay sở với đống tài liệu dang dở và cảm thấy bế tắc khi phải hoàn thành công việc trong khoảng thời gian ngắn, bí kíp nhỏ kích thích não bộ dưới đây sẽ giúp bạn lấy lại cân bằng và gia tăng hiệu suất làm việc.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, căng thẳng và lo lắng quá mức có thể gây ra sự “bại não”. Tuy nhiên, bạn có thể lấy lại sự bình tĩnh bằng cách đặt ngón tay cái trong miệng và thổi.
Tiến sĩ Arun Ghosh công tác tại Bệnh viện Spire Liverpool giải thích với tờ Daily Mail rằng, có một dây thần kinh nối từ tai và cổ họng. Việc bạn đặt ngón tay vào miệng và thổi sẽ kích hoạt thần kinh phế vị.
Dây thần kinh phế vị là một dây chạy dài suốt từ não bộ cho đến bụng và có nhiều mối liên hệ với thần kinh trung ương từ vùng đồi cho đến vùng hành cầu não. Từ những vùng này, dây thần kinh phế vị liên hệ trực tiếp tới vỏ não, chỉ đạo việc làm giảm nhịp tim, huyết áp. Phương pháp này còn có thể được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần ở mức nhẹ, bệnh động kinh.
Nhiều người đã truyền tai nhau về cách làm này nhưng thường hiểu sai là "thổi không khí vào ngón tay cái". Chính xác là bạn phải đặt ngón tay cái vào trong miệng, ngậm miệng lại và thổi.
Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Kinh doanh Hoàng gia đã chỉ ra, có một mối quan hệ giữa việc kiểm soát bàng quang và việc đưa ra quyết định trước mỗi vấn đề. Hiểu đơn giản, việc kiểm soát bàng quang chứa đầy nước sẽ giúp bạn tránh đưa ra những quyết định bốc đồng.
Để đưa ra được nghiên cứu này, các chuyên gia đã chia nhóm tình nguyện viên thành hai nhóm và tiến hành 3 cuộc thử nghiệm. Ở thí nghiệm thứ nhất, các tình nguyện viên được yêu cầu nhịn tiểu và chọn màu sắc hiển thị trên màn hình chạy với tốc độ khá nhanh. Ở thí nghiệm 2 và 3, người tham gia nghiên cứu sẽ phải trả lời một vài câu hỏi trắc nghiệm theo dạng đúng, sai.
Kết quả là, những tình nguyện viên nào nhịn tiểu, sẽ đưa ra tần suất trả lời câu hỏi đúng cao hơn những người còn lại.
Các chuyên gia lý giải rằng, nhịn đi tiểu giúp cơ thể kiểm soát các xung động của cơ thể tốt hơn bao giờ hết, đặc biệt trong việc ức chế ham muốn của bản thân, từ đó các quyết định, lựa chọn được đưa ra có độ chính xác cao hơn. Điều này cũng giúp chúng ta hạn chế việc đưa ra những quyết định bốc đồng trước khi phải đưa ra câu trả lời nhanh chóng trước mỗi vấn đề.
Tất nhiên, bạn nên biết giới hạn của bản thân khi nhịn tiểu để tránh gây hại cho bàng quang.
Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, việc nhai kẹo cao su có thể tăng hiệu suất não bộ nhưng nó có thể làm những người xung quanh xao lãng và không tốt cho sức khỏe của bạn.
Do đó, chuyên gia tâm lý Gretchen Rubin thuộc Dự án Hạnh phúc đã công bố nghiên cứu bí kíp giúp chúng ta tập trung - đó là khuấy thìa trong cốc cà phê.
Trong cuộc thử nghiệm kéo dài 30 phút, các tình nguyện viên được yêu cầu nhấn nút trái hoặc phải tùy thuộc vào chiều của mũi tên hiện trên màn hình.
Nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành quét não của những người này và ghi lại kết quả. Sau đó, các chuyên gia yêu cầu người tham gia nghiên cứu khuấy những chiếc thìa cà phê trong cốc đặt ở bên cạnh.
Kết quả của cuộc thử nghiệm tiến hành sau khi tình nguyện viên khuấy thìa cà phê đưa kết quả tương đương nghiên cứu với người nhai kẹo cao su trước đó.
Rubin cho rằng, việc nhai kẹo cao su và khuấy thìa trong cốc cà phê sẽ phần nào giúp não bộ duy trì sự tỉnh táo, nhạy bén cũng như ảnh hưởng tới khả năng điều khiển vận động. Những ảnh hưởng này cũng giúp cải thiện khả năng tư duy ở mỗi người.
Các nhà nghiên cứu tại trường ĐH Gabriele d'Annunzio của Ý đã chỉ ra trong nghiên cứu gần đây rằng, tai phải và tai trái phù hợp với các nhiệm vụ khác nhau.
Nếu đó là lời nói, bài phát biểu với một ngôn ngữ nhất định thì tai phải sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình hơn. Trong khi đó, tai trái lại có lợi thế trong việc phân biệt những khía cạnh của lời nói như giọng điệu, ngôn từ, cảm xúc...
Các chuyên gia đã tiến hành quan sát 286 thành viên tại hộp đêm nói chuyện trong tiếng nhạc ầm ĩ. Kết quả là, 72% số người tham gia thử nghiệm hôm đó sử dụng tai phải để lắng nghe câu chuyện.
Kết quả này đồng nhất với các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và bảng câu hỏi điều tra chứng minh chúng ta có xu hướng nghe thiên về một bên tai nhiều hơn.
Một nghiên cứu khác cũng được tiến hành khi các chuyên gia dự một buổi họp và người quản lý đang truyền tải thông tin tới cho nhân viên. Hầu hết những nhân viên đều ngồi ở vị trí hướng tai phải về phía lời nói phát ra.
Theo các nhà nghiên cứu, những kết quả nghiên cứu này xác định ưu thế trong việc chúng ta sử dụng tai phải khi giao tiếp và lắng nghe thông tin quan trọng. Và đương nhiên, khi nắm tốt mọi vấn đề, hiệu suất công việc của chúng ta sẽ không ngừng tăng lên.