Bí kíp sẽ đưa đến cho bạn những cách xử lý nguồn nước khẩn cấp sau các trận bão lũ...
>>> Uống trực tiếp nước toilet bằng ống hút thông minh
Mỗi cơn bão tới không chỉ cướp đi biết bao sinh mạng con người mà còn làm cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn hơn. Một trong số đó là sau khi bão lũ đi qua, nguồn nước sạch có thể bị nhiễm bẩn - gây hại và đe dọa tính mạng, sức khỏe của chúng ta.
Cùng tìm hiểu sự nguy hại của việc nước nhiễm bẩn và biết thêm các bí kíp lọc nước từ nguồn nước bị ô nhiễm bởi bão lũ qua bài viết dưới đây.
Nguồn nước sinh hoạt sau mỗi trận bão phần lớn lâm vào tình trạng ô nhiễm cực kỳ nghiêm trọng bởi rác, phân, xác động vật… theo nước lũ tràn vào các giếng khoan, bể chứa nước thông thường.
Trong thành phần của những bể nước bị nhiễm nước ở hồ, ao, sông, suối... ta có thể tìm thấy những sát thủ thực sự như Naegleria fowleri - hay còn gọi là amip ăn não, khuẩn lam Anabaena chuyên sản sinh chất độc thần kinh gây ngừng hô hấp.
Bên cạnh đó phải kể tới khuẩn E.coli trong phân động vật và Salmonella trong nước ô nhiễm, chúng gây ra rất nhiều căn bệnh đường ruột và tiêu hóa như thương hàn, tiêu chảy...
Rất nhiều vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong nước bị ô nhiễm
Đó là chưa kể tới các loại hóa chất, kim loại nặng, thuốc trừ sâu từ đất trồng cũng hòa chung nguồn nước. Nguy hiểm nhất có lẽ là asen (thạch tín) - một chất không màu, không mùi, không vị nhiễm trong nước nhưng gây tử vong nếu chỉ dùng một lượng bằng hạt ngô. Vậy làm thế nào để chúng ta loại bỏ được chất độc hại khỏi nguồn nước nhiễm bẩn?
Có rất nhiều cách và phương tiện để làm được điều này. Tuy nhiên, có thể vận dụng 3 phương pháp tạm thời sau đây, không chỉ đơn giản mà còn vô cùng tiết kiệm nữa.
Đầu tiên, đun sôi nước là biện pháp hữu hiệu nhất để diệt vi khuẩn. Đối với nguồn nước bị nghi là nhiễm vi khuẩn, nhiệt độ sẽ là vũ khí tuyệt vời nhất.
Lưu ý rằng, hãy để nước sôi già trong khoảng thời gian 5 phút, khi đó nhiệt độ sẽ tiêu diệt được nhiều hơn các loại vi khuẩn có trong nước
Theo tính toán của các chuyên gia, đun nước trong 15-20 phút giúp bạn có được nước sạch 99,9%. Phương pháp này có thể sử dụng cả trong đời sống hàng ngày lẫn khi bạn đang gặp nạn trong tự nhiên, chẳng hạn bị lạc trong một khu rừng. Tuy nhiên, nhược điểm của cách đun sôi nước là không thể loại bỏ các kim loại nặng và khoáng chất độc bởi chúng không bốc hơi nếu lẫn trong nước.
Bạn có thể dùng thêm khăn mặt sạch, vải bông y tế hoặc vải màn lọc để lọc bỏ cặn và các khoáng chất độc hại sau khi đun nước xong.
Phương pháp thứ hai được khuyên dùng, đó là sử dụng các loại viên nén lọc nước hay chất hóa học làm sạch nước. Có thể kể tới như clo, i-ốt, thuốc tím... là những chất hóa học có khả năng sát trùng, diệt khuẩn rất tốt. Chỉ cần nhỏ vài giọt i-ốt vào nước nhiễm bẩn, chờ khoảng 20 phút là đã có thể sử dụng nước uống đó ngay lập tức.
Phương pháp này tiết kiệm và tiện sử dụng. Bạn hoàn toàn có thể mang theo những viên nén i-ốt bên mình, đề phòng các trường hợp cần thiết. Song, cách này cũng có một số điểm yếu, đó là mùi vị của i-ốt thường khá nồng và nước xử lý xong sẽ có màu hơi tối.
Ở quy mô lớn hơn, sau mùa mưa lũ, việc nguồn nước như giếng khoan, bể nước bị nước lũ cuốn theo xác động vật, phân, rác gây ô nhiễm là điều khó tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề này, có thể sử dụng phèn chua - một nguyên liệu dễ tìm và thân thuộc.
Cụ thể, nước bẩn sẽ được làm sạch bằng phèn chua (20g cho 1m3 nước) và một lớp cát sạn có tác dụng như một màng lọc nước ban đầu. Sau đó, thành phẩm được dẫn qua mô hình lọc giúp nước trong hơn. Cuối cùng, nước được dẫn qua lớp than củi để khử mùi và chúng ta thu được sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn của Bộ Y Tế phục vụ cho sinh hoạt.
Sử dụng những vật dụng xung quanh để chế tạo máy lọc nước
Ngoài ra, phương pháp thứ ba được khuyên dùng trong các trường hợp khẩn cấp đó là sử dụng những vật dụng xung quanh để chế tạo máy lọc nước. Chỉ cần vải xô, dùng tampon, hay các màng lọc tự nhiên như vỏ cây bạch dương là bạn đã có một phễu lọc tại chỗ. Tất nhiên, cách lọc này chỉ giúp làm sạch nước khỏi các loại đất, cát nhỏ, chứ không tiêu diệt được hết vi khuẩn có trong nước.
Nên nhớ rằng, 3 bí kíp trên đây chỉ là phương pháp tạm thời để giúp cơ thể bạn không bị thiếu nước. Sau bão lũ, bạn cần nhanh chóng tìm cách tiếp cận các nguồn nước sạch để bảo vệ cho sức khỏe của chính mình.
Sự nhiễm bẩn của các nguồn cung cấp nước thông thường sau các thảm họa tự nhiên không chỉ gây nên bệnh tật mà tất yếu còn dẫn tới tình trạng thiếu nước. Và nếu không sớm giải quyết được vấn đề, con người sẽ phải đối mặt với những viễn cảnh kinh hoàng.
90% phổi, 80% não bộ và 85% máu con người là nước. Nói đơn giản, không có nước sẽ không có sự sống ở bất cứ đâu
Chúng ta biết rằng, 2/3 cơ thể là nước. Con người có thể nhịn ăn 3 tuần nhưng không có nước uống 3 ngày thì khó sống nổi. Mỗi ngày, người trưởng thành cần nạp vào người khoảng 2,5l nước để có thể tồn tại. Thế nên, khi các nguồn nước xung quanh bị nhiễm bẩn và không thể sử dụng, hậu quả sẽ thật khó lường.
Theo các nhà khoa học, những dấu hiệu đầu tiên của việc không có nước uống chính là cảm giác khát, khô miệng. Nặng nề hơn, bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt, choáng và suy nhược cơ thể. Nước tiểu của người thiếu nước cũng sẽ có màu vàng đậm rất đặc trưng cùng với đó là hiện tượng táo bón xuất hiện bất cứ lúc nào.
Bên trong cơ thể, tình trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Não bộ bắt đầu thực hiện một loạt các chỉ đạo, rút nước từ các bộ phận khác trong cơ thể lên để duy trì hoạt động. Điều này giúp não tiếp tục sống nhưng hầu hết các cơ quan khác đều bị trục trặc.
Máu sẽ trở nên đậm đặc hơn, do đó tim phải dùng nhiều lực hơn trong quá trình co bóp, bơm máu đi qua các động mạch. Phản ứng này làm tăng áp suất trong máu, gây nguy hiểm tới tính mạng tới những ai có tiền sử về huyết áp và bệnh tim mạch.
Mặt khác, không có nước, thận sẽ hoạt động cầm chừng và “chập chờn”, làm gián đoạn chức năng bài tiết, lâu dài kéo theo tình trạng nhiễm độc tố, gây sỏi thận, sạn thận. Cuối cùng, nếu thiếu nước quá lâu, con người sẽ lâm vào giai đoạn “siêu mất nước”: co giật, thở nhanh, mạch yếu, dẫn tới suy tim và tử vong.