Đâu là bí quyết dưỡng sinh kỳ diệu của bà Tống Mỹ Linh - phu nhân Tưởng Giới Thạch?
Tống Mỹ Linh từng nói rất nhiều về sự quan trọng của việc thông kinh lạc. Bà đã bắt đầu vận dụng phương pháp này từ thập niên 30 thế kỷ trước. Ông Nguyên, vệ sĩ thân cận của Tưởng Giới Thạch từng nói: "Buổi sáng, tiên sinh (Tưởng Giới Thạch) dậy được vài tiếng đồng hồ thì Tống Mỹ Linh mới dậy, nhưng khi vừa tỉnh ngủ bà không dậy ngay mà nằm lại trên giường một lúc để nữ phụ tá Quách Tố Mai massage cho bà, xong đâu đấy mới dậy khoác áo khoác, đi súc miệng rửa mặt và tự mình trang điểm".
Tống Mỹ Linh từng nói rất nhiều về sự quan trọng của việc thông kinh lạc.
Lối sống kiểu này của bà bắt đầu từ thời kỳ ở Nam Kinh, kéo dài liên tục đến thập niên 90 thế kỷ trước khi bà đến Mỹ định cư. Cho đến những năm cuối đời, khi bà dọn đến căn nhà cao tầng ở Manhattan, New York sống, lúc này mới không còn người chuyên trách giúp bà massage nữa.
Khi từ Thượng Hải đến Nam Kinh, những lúc không có người giúp massage, bà phải tự làm lấy. Vì khi ở Thượng Hải bà từng được một mục sư chỉ dạy và hiểu lợi ích của massage với cơ thể. Ở Thượng Hải, mẹ của bà là Nghê Quế Trân hay bệnh tật, vị mục sư đã yêu cầu Tống Mỹ Linh thường xuyên ở bên cạnh mẹ để giúp mẹ massage khi cơ thể khó chịu. Vị mục sư còn nói nguồn gốc của massage không xuất phát từ Tây phương mà chính là liệu pháp từ thời cổ đại ở Trung Quốc.
Vì phần lưng cơ thể có rất nhiều huyệt vị giúp cơ thể khỏe mạnh và dưỡng sinh. Ví dụ huyệt Mệnh Môn, Định Suyễn, Phế Du, Thận Du, Phong Môn… đều tập trung ở sau lưng, nếu trong lúc bị bệnh kích thích những huyệt này chắc chắn rất có ích cho việc trị bệnh. Những huyệt vị quan trọng này chủ yếu tập trung quanh cột sống, thần kinh quanh cột sống có liên hệ chặt chẽ với nội tạng trong cơ thể.
Vì thế massage những huyệt vị này không chỉ giúp xoa dịu bệnh tật, mà còn giúp lưu thông máu huyết, kích thích đầu dây thần kinh nên có lợi cho việc thay thế tế bào mới. Do những huyệt vị này có liên kết với tạng phủ và não bộ nên việc kích thích chúng cũng có tác dụng tốt cho hoạt động của tạng phủ và giúp đầu óc minh mẫn hơn.
Tống Mỹ Linh thích uống trà và rượu nho.
Một thời gian bà Tống rất thích uống cà phê. Sau này, qua một thầy thuốc, bà hiểu rõ café không có lợi cho sức khỏe. Tống Mỹ Linh chuyển qua uống nước đã đun sôi và thường xuyên ăn chay. Điều này giúp giảm bớt việc tích lũy độc tố trong cơ thể, nhờ đó dù tuổi đã già nhưng trông bà vẫn không già.
Tống Mỹ Linh thích uống trà và rượu nho. Trà bà uống là trà xanh, vì trà xanh có hàm lượng dinh dưỡng cao. Người phụ trách về sức khỏe trong dinh phủ của bà trước đây đã cho biết trong trà xanh có nhiều flo, giúp diệt khuẩn cho khoang miệng và làm chắc răng, ngăn ngừa sâu răng.
Tống Mỹ Linh thường nhờ nhân viên giúp bà làm đủ nước trà xanh uống cho cả ngày. Bà hiểu rõ trong lá trà xanh có thành phần giúp bảo vệ và làm trơn mạch máu. Tống Mỹ Linh xem trọng lá trà xanh vì nó có hiệu quả dưỡng sinh. Trà xanh giúp phòng chống ung thư, làm sạch khoang miệng, ngừa sâu răng, điều hòa tinh thần khi tâm trạng không tốt, giảm thiểu nguy cơ mạch máu não bị tắc hoặc vỡ.
Trong thời gian Tống Mỹ Linh sống ở Nam Kinh và Trùng Khánh, khi tham gia tiệc tùng bà hay uống rượu nho. Nguyên nhân bà thích loại rượu này vì công dụng làm đẹp của nó. Tống Mỹ Linh cả đời sống trong vinh hoa phú quý, trong thời gian chiến tranh nhưng bên cạnh bà không thiếu các loại rượu có tiếng trong và ngoài nước. Vậy tại sao bà chỉ chọn loại rượu bình thường là rượu nho?
Tống Mỹ Linh khi dùng thứ gì đều có nghiên cứu cẩn thận. Bà biết rằng giá trị dưỡng sinh của rượu nho nằm ở chất resveratrol, là chất giúp phòng chống lão hóa rất tốt. Rượu nho còn có chất chống oxy hóa, có tác dụng bảo vệ tim mạch, giúp phòng chống bệnh động mạch vành và suy tim, rất tốt cho người khi bước vào tuổi trung lão niên. Rượu nho cũng có tác dụng kích thích hỗ trợ tiêu hóa.
Tống Mỹ Linh từng đến Mỹ học từ năm 10 tuổi. Sau khi về nước, bà vẫn luôn giữ những thói quen hình thành từ thời niên thiếu, đó là ăn nhiều rau trong bữa ăn hàng ngày, với món ăn phương Tây thì thường dùng món salad trộn.
Tống Mỹ Linh nhớ lại lời vị bác sĩ riêng thời bà ở Nam Kinh và Trùng Khánh: Ăn rau chín tuy dễ tiêu hóa nhưng cấu trúc tế bào và mô của rau đại đa số là bị phân giải hoặc phá hủy trong quá trình làm nóng, giá trị dinh dưỡng chắc chắn không thể so với rau chưa qua nhiệt độ. Bà có thói quen ăn nhiều rau chân vịt, có thể nói bữa ăn nào bà cũng dùng. Đây là rau không những giàu protein mà còn có nhiều loại vitamin và khoáng chất.
Tống Mỹ Linh nhiều lần dặn dò đầu bếp: "Mỗi ngày tôi chỉ ăn 1/2 kg rau chân vịt là có thể bù lại được phần dinh dưỡng của thịt kho tàu. Thịt kho tàu tuy ăn ngon nhưng lại có tác dụng phụ không tốt, chất béo làm hại gan, làm tăng thể trọng. Khi tôi ở Mỹ thường hay ăn đồ ngọt, sau này bác chủ cho thuê nhà nói với tôi, cháu ăn nhiều đồ ngọt như thế rất hại tim mạch.
Khi đó tôi không hiểu lắm, vì chỉ nghĩ ăn những gì mình thích là hạnh phúc, không biết rằng kiến thức về cuộc sống của mình còn rất kém. Sau này thấy bác gái đó thường xuyên dùng món salad tôi mới hiểu thêm chút đạo lý. Vì khi tôi học ở Georgia mới chỉ là cô gái chưa đến 20 tuổi, nhưng bác gái đã hơn 70 tuổi, thế nhưng thân thể của bác xem chừng còn khỏe mạnh hơn tôi".
Tống Mỹ Linh thích món rau salad từ năm 1913 khi bà từ Georgia chuyển đến Massachusetts học. Dĩ nhiên không phải Tống Mỹ Linh chỉ vì lời bác chủ nhà ở Georgia mà thay đổi thói quen ăn đồ ngọt yêu thích của mình từ nhỏ. Nguyên nhân khác nữa là ở nhà ăn tập thể tại ngôi trường ở Massachusetts đã bắt đầu áp dụng cơ cấu bữa ăn nhiều rau.
Từ năm 40 tuổi trở đi, Tống Mỹ Linh đã bắt đầu dùng nước chanh để trừ độc, thanh lọc đường ruột.
Năm 40 tuổi, Tống Mỹ Linh mắc bệnh ung thư vú. Khi đó bà đã lựa chọn phương pháp phẫu thuật để cắt bỏ. Nhưng bác sĩ tư nhân người Mỹ của bà đã khuyên Tống Mỹ Linh nên cải biến tính axit trong cơ thể, quan tâm đến sức khỏe đường ruột. Từ đó bà đã bắt đầu uống nước chanh.Từ năm 40 tuổi trở đi, Tống Mỹ Linh đã bắt đầu dùng nước chanh để trừ độc, thanh lọc đường ruột. Đây cũng chính là cách mà bác sĩ người Mỹ của bà gọi là cải biến tính axit trong cơ thể.
Tống Mỹ Linh đến năm 60, 70 tuổi vẫn rất đẹp và khỏe mạnh. Cho đến năm 106 tuổi bà mới qua đời một cách tự nhiên chứ hoàn toàn không phải do bệnh ung thư.
Thực ra ăn chỉ là một phương diện, điều quan trọng trong bí quyết sống thọ của Tống Mỹ Linh là ở tâm thái của bà với kim tiền và quyền lực.
Vào quãng thời gian những năm 30 – 40 tuổi, sự nghiệp của Tống Mỹ Linh lên đến đỉnh cao, được xem là đệ nhất phu nhân ở Trung Quốc. Nhưng về cuối đời bà không con cháu, chỉ nhờ vào sự quan tâm của bạn bè. Trước đây chỉ cần vẫy tay là người đến tấp nập, nhưng khi về già thì ngựa xe thưa thớt, sống cảnh vắng vẻ. Nhưng sở dĩ bà vẫn được trường thọ là bởi đã luôn tạo cho mình một tâm thái bình ổn, khoan hòa.
Bà cho rằng: "Trong cuộc sống, người này tranh của người kia, nhưng rồi cuối cùng thì thế nào? Khi nhắm mắt lại thì mọi vật ngoài thân của mình đều biến thành của người khác. Ngày trước tài sản trong tay Từ Hy lão Phật gia nhiều người trong chúng ta không thể sánh kịp, nhưng sau khi chết bà ấy có mang đi được không? Một chút châu báu chôn theo trong lăng mộ cuối cùng sau này còn mang đến tai họa, bị người ta đào mộ lên để ăn trộm".
Bí quyết trường thọ của Tống Mỹ Linh là nhờ bà có tri thức về bảo vệ sức khỏe, biết giữ tâm thái điềm nhiên bình ổn trước sóng gió cuộc đời. Với Tống Mỹ Linh, quyền lực chỉ như hạt sương trên bông hoa, bà luôn sống tràn đầy năng lượng với trí tuệ thông minh và sức quyến rũ. Với bà mọi thứ đều thật nhẹ nhàng, mọi việc có được tất có mất, vì thế biết buông bỏ vật ngoài thân chính là cách sống khỏe của bà.