Bí quyết sinh tồn của ốc sên Nhật

  •  
  • 1.959

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nhật cho thấy, loài ốc sên đất được phân bố rộng khắp môi trường sống trên quần đảo Ogasawara của nước này là nhờ sống sót qua hệ thống tiêu hóa của chim.

Bí quyết sinh tồn của ốc sên Nhật
Ốc sên đất Tornatellides boeningi có thể tồn tại qua đường tiêu hóa của chim.
Ảnh: BBC

Chúng ta biết rằng, thường chỉ có hạt giống được phát tán môi trường sống nhờ phân chim. Tuy nhiên, các nhà khoa học Nhật hiện đã chứng minh được ngay cả động vật không xương sống như loài ốc sên đất tí hon cũng có thể tồn tại được nhờ quá trình này.

Hãng thông tấn BBC đưa tin, trong phòng thí nghiệm, trưởng nhóm nghiên cứu Shinchiro Wada, thuộc ĐH Tohoku, Nhật đã cho 2 loài chim vành khuyên mắt trắng Nhật Zosterops japonicus và chào mào tai nâu Hypsipetes amaurotis ăn hơn 174 con ốc sên đất Tornatellides boeningi để tìm hiểu xem những con ốc này có sống sót sau quá trình tiêu hóa của chim hay không.

Bí quyết sinh tồn của ốc sên Nhật
Loài chim vành khuyên mắt trắng Nhật Zosterops japonicus. Ảnh: burdr.com

Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Địa lý sinh vật, thật bất ngờ khi tỉ lệ sống sót của ốc sên là khá cao - tương ứng 14,3% và 16,4% - sau khi trải qua cuộc du hành kỳ lạ trong hệ thống tiêu hóa của 2 loài chim.

Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy các loài chim thực sự có thể ‘vận chuyển’ được số lượng đáng kể ốc sên đất bằng đường ruột của chúng”, nhà nghiên cứu Shinichiro Wada nói.

Điếu này có thể giải thích những gì đang xảy ra trên đảo Hahajima thuộc quần đảo Ogasawara (cách thủ đô Tokyo, Nhật khoảng 1.000km về phía nam) - nơi 2 loài chim trên và ốc sên đất đang sinh sống. Đó là ốc sên tận dụng lợi thế “chim ăn mình và thải qua đường tiêu hóa” để có thể sinh trưởng trên hầu hết các đảo khác của quần đảo Ogasawara, điều mà chúng không bao giờ thực hiện được nếu không có những con chim.

Theo các nhà khoa học, các con ốc sên đất rất nhỏ với chiều dài cơ thể chừng 2,5 mm và đây là một trong những điều kiện giúp nó sống sót qua đường tiêu hóa khi bị chim ăn thịt. “Chúng tôi sẽ tiến hành thêm nhiều thí nghiệm để xem liệu còn những thích ứng nào khác giúp loài ốc sên đất tồn tại”, ông Wada tiết lộ thêm.

Theo VietNamNet
  • 1.959