Bí quyết sống tới 100 tuổi: Không nghe lời khuyên của những người trường thọ

  •  
  • 829

Khi tiếp xúc với những người đã sống lâu tới 100, thậm chí là 110 tuổi hoặc hơn, người ta thường đưa ra các câu hỏi theo mô típ khá sáo rỗng và nhàm chán như: “Cụ đã làm gì để có thể sống lâu như vậy?”

Chắc chắn, một số câu trả lời thú vị và bất ngờ sẽ xuất hiện và thu hút sự chú ý. Ví dụ như việc ăn cá và khoai tây chiên đều đặn vào thứ Sáu hàng tuần. Hay uống một ly rượu mạnh mỗi ngày. Ăn thịt xông khói trong mỗi bữa sáng. Hoặc liên tục thưởng thức rượu và sô cô la.

Dù rằng việc đưa tin về những người sống thọ thường thu hút đông người đọc, việc đặt ra những câu hỏi như nêu ở trên tương đối vô nghĩa và không giúp chúng ta hiểu được lý do tại sao một số người lại sống lâu đến vậy. Trong bài viết gửi tới hãng tin CNN, tác giả Brady Elliot tới từ Đại học Wesminster, Anh quốc, đã nêu luận điểm cho thấy vì sao việc tìm hiểu "bí quyết" sống lâu từ người trường thọ là vô nghĩa.


Định kiến người sống sót có thể khiến chúng ta có cái nhìn không chính xác về cách thức một người đạt được cuộc sống trường thọ. (Nguồn: CNN).

Ông chỉ ra rằng trong chiến tranh thế giới thứ hai, các nhà thống kê của quân Đồng minh đã thử áp dụng các kỹ năng của mình nhằm giảm thiểu số lượng máy bay ném bom bị hỏa lực của đối phương bắn hạ. Thông qua việc nghiên cứu mô hình hư hỏng của máy bay ném bom trở về sau mỗi nhiệm vụ, họ lập bản đồ thống kê về những bộ phận máy bay bị hư hỏng thường xuyên nhất và kiến nghị việc bổ sung các loại giáp tốt, đắt tiền cho những khu vực này.

Giải pháp thật đơn giản phải không? Tuy nhiên đó là khi một nhà thống kê khác có tên Abraham Wald vào cuộc. Ông đưa ra quan điểm hoàn toàn ngược lại, chỉ ra rằng những chiếc máy bay được nghiên cứu đều đã sống sót trở về sau mỗi nhiệm vụ, dù chịu thiệt hại nặng. Nhưng còn những chiếc đã không quay trở lại thì sao?

Wald lập luận rằng nên bổ sung giáp cho những khu vực không bị hư hại nằm trên tất cả các máy bay đã quay về thành công. Theo ông, bất kỳ máy bay nào trúng đạn vào những khu vực không bị hư hại này có thể đã bị rơi, và không thể trở lại căn cứ để phục vụ việc khảo sát.

Thành kiến người sống sót

Hiện tượng mà Wald đưa ra quan điểm chống lại được gọi là định kiến ​​​​người sống sót, hoặc định kiến ​​​​về nhận thức và thống kê được tạo ra bằng cách chỉ tính tới những yếu tố hiện diện, mà bỏ qua các yếu tố đã "không sống sót".

Hãy thử áp dụng định kiến người sống sót vào việc nghiên cứu bí kíp sống lâu và bạn sẽ nhanh chóng thấy sự vô lý. Hãy tưởng tượng về một nhóm gồm 100 người, tất cả đều đã hút thuốc cả đời.

Xét theo nhóm, những người hút thuốc thường xuyên sẽ có khả năng chết sớm hơn vì bệnh ung thư, bệnh phổi hoặc bệnh tim. Nhưng trong nhóm này sẽ vẫn có một hoặc hai người vượt qua xu hướng chúng và sống đến 100 tuổi.

Bây giờ hãy tưởng tượng các nhà báo vây quanh phỏng vấn một hoặc hai người may mắn này, vào sinh nhật thứ 100 của họ, với câu hỏi kinh điển ta đều biết: “Ông/bà cho rằng mình sống lâu tới tận giờ là vì bí quyết gì?”

“Hút một gói thuốc mỗi ngày”, hẳn sẽ là câu trả lời của nhân vật sống thọ.

Nghe có vẻ vô lý nhưng nhưng định kiến người sống sót tồn tại ở khắp mọi nơi trong xã hội. Tất cả chúng ta đều có thể từng nghe thấy câu chuyện về một diễn viên hoặc doanh nhân nổi tiếng đã thành công vượt qua nghịch cảnh. Họ làm việc chăm chỉ, tin tưởng vào mục tiêu bản thân đề ra và thành công. Nhưng chúng ta chưa bao giờ, hoặc rất ít khi đọc được, nghe được câu chuyện khác về những người đã cố gắng, cống hiến hết mình, nhưng cuối cùng lại không có thành công.

Thành thực mà nói, viết hay kể về người thất bại không phải là một đề tài truyền thông hay. Nhưng chính điều này góp phần tạo ra định kiến người sống sót: chúng ta chủ yếu nghe thấy những câu chuyện thành công, chứ không bao giờ nghe thấy những thất bại.

Định kiến ​​này áp dụng và định hình nhận thức của chúng ta về kiến ​​trúc (hầu hết chúng ta chỉ biết về những tòa nhà vĩ đại từ một thời kỳ nhất định), cho đến tài chính (chúng ta thường nghe ví dụ về những người đã thành công khi thực hiện các khoản đầu tư rủi ro, những người thất bại sẽ không bán sách hoặc các khóa học tự sửa mình) và kế hoạch sự nghiệp (bạn có thể đã nghe người thành công kể rằng họ bỏ học và trở nên giàu có ra sao, nhưng không biết tới rất đông những người khác cũng làm tương tự và thất bại).

Brady Elliot chia sẻ rằng bản thân đã làm việc với nhiều người lớn tuổi, bao gồm những người cực kỳ cao tuổi. Ông và cộng sự tại trường đại học đang nghiên cứu những người trên 65 tuổi duy trì mức độ tập thể dục cao bất thường khi về già và có được sức khỏe tuyệt vời.

Họ là những ví dụ đặc biệt về những người lớn tuổi nhưng vẫn nhanh hơn, khỏe hơn Elliot, dù cao tuổi gần gấp đôi ông. Nhưng dù biết rằng việc tập thể dục suốt đời có liên quan đến sức khỏe tốt của những người này khi về già, nhóm của Elliot vẫn chưa thể đưa ra kết luận cụ thể rằng thứ nào đã dẫn tới thứ nào. Có thể việc tích cực tập thể dục khiến người trường thọ được bảo vệ khỏi các bệnh nghiêm trọng như ung thư, tiểu đường và bệnh tim. Nhưng cũng có thể những người này vẫn tập thể dục và duy trì sức khỏe tốt ở tuổi cao là bởi họ chưa từng mắc ung thư, tiểu đường hoặc bệnh tim trước đó trong đời.

Cũng có thể còn tồn tại một số yếu tố thứ ba chưa xác định mà các nhà khoa học vẫn phải tìm ra, để hiểu được cơ chế nào khiến nhiều người không chỉ sống thọ mà còn duy trì được khả năng tập thể dục để có sức khỏe tốt.

Mối tương quan thường không mang tới quan hệ nhân quả giống nhau. Điểm này được nhắc nhở thường xuyên với các sinh viên làm nghiên cứu khoa học. Bộ não của chúng ta thường nhìn thấy mô hình giống nhau giữa hai biến số và cho rằng chúng có liên quan với nhau theo một cách nào đó. Nhưng thường là, giống như định kiến người sống sót, chúng ta sẽ không xem xét đủ dữ liệu đầu vào nên sẽ "phát hiện" thấy sự liên quan ở những nơi mà thực tế chẳng có sự liên quan nào cả.

Cập nhật: 02/07/2024 Vietnam+
  • 829