Bằng chứng về tác động của rượu đối với sức khỏe não bộ ở mọi lứa tuổi, từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ đến khi “xuống mồ”, ngày càng rõ.
Hầu như tất cả chúng ta hẳn đã từng thấy các tiêu đề: “6 lý do một ly rượu nhỏ mỗi ngày có thể tốt cho bạn” hoặc “Uống rượu trong bữa ăn có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường Type 2”. Nhưng bên cạnh những nghiên cứu/quảng cáo có mục đích về lợi ích của việc (thỉnh thoảng) uống rượu như vậy, cũng có một cảnh báo khác rằng ngay cả khi uống ở mức độ vừa phải, rượu cũng nguy hiểm - ví dụ như “Uống rượu không tốt cho tim của bạn”. Vậy với não bộ thì sao? Điều gì xảy ra với bộ não khi bạn uống rượu, cho dù đó là một ly rượu vang trong bữa tối, vài cốc bia sau giờ làm việc hay vài ly cocktail trong kỳ nghỉ?
Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS), uống rượu điều độ được định nghĩa là một hoặc ít hơn một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và hai ly trở xuống đối với nam giới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ định nghĩa phụ nữ uống 8 ly trở lên mỗi tuần được coi là uống nhiều và đối với nam giới, con số này là 15 ly trở lên. Cũng theo CDC, uống say được định nghĩa là uống trong cùng một thời điểm từ 4 ly đồ uống có cồn trở lên đối với phụ nữ hoặc từ 5 đồ uống có cồn trở lên đối với nam giới.
Tuy nhiên, một nghiên cứu của Đại học Pennsylvania (Mỹ) được công bố trên tạp chí Nature cho thấy không có mức tiêu thụ rượu nào là an toàn cho sức khỏe não bộ con người. Cụ thể, nghiên cứu đã chỉ ra rằng não bộ bị lão hoá nhanh chóng nếu bạn uống 1 ly rượu mỗi ngày.
Quán bar ở CH Séc. (Ảnh minh họa: Reuters).
Sản phẩm của quá trình chuyển hóa rượu trong cơ thể là hợp chất hữu cơ acetaldehyde, “thủ phạm” chính gây ra tình trạng say bia rượu, đồng thời làm tăng tình trạng viêm thần kinh (viêm não có hại), ứng kích oxy hóa và nhiễm độc kích thích (tổn thương thần kinh do kích hoạt quá mức). Tác hại của việc uống rượu có liên quan đến tần suất, số lượng và thời gian.
Có bằng chứng về tác hại của rượu ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Theo nghiên cứu của tạp chí y khoa trực tuyến Lancet Global Health ở Ireland – quốc gia thuộc “Top 11” nước tiêu thụ rượu nhiều nhất thế giới, hơn 60% phụ nữ uống rượu lúc mang thai - gấp 6 lần mức trung bình toàn cầu (cứ 10 phụ nữ có một người uống rượu). Kimberley Wilson, chuyên gia tâm lý học và là người sáng tạo podcast khoa học sức khỏe, giải thích: “Ethanol dễ dàng đi qua nhau thai, vào hệ tuần hoàn của thai nhi với nồng độ cồn trong máu tương đương với nồng độ cồn trong máu người mẹ. Tuy nhiên, gan của thai nhi chưa phát triển nên không thể xử lý rượu hiệu quả, nghĩa là rượu tồn tại trong cơ thể rất lâu, làm tăng nguy cơ gây tổn hại các mô đang phát triển”.
Rượu là một chất gây chứng thiểu năng, có khả năng gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi đang phát triển. Do đó, không ngạc nhiên khi Ireland có tỷ lệ rối loạn thai nhi vì ảnh hưởng của rượu (FASD) cao nhất, với 6.000 ca mỗi năm. FASD bao gồm các rối loạn về thể chất và thần kinh ở những đứa trẻ được sinh ra từ các bà mẹ uống rượu trong thời kỳ mang thai, với những biểu hiện có vấn đề về hành vi, khó điều chỉnh cảm xúc và kiểm soát xung động, gặp khó khăn trong học tập và suy giảm nhận thức.
Chuyên gia Wilson lưu ý rằng mọi người thường chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của bia rượu và đồ uống có cồn khác đối với cân nặng hoặc hành vi mất kiểm soát. Tuy nhiên, điều mà hầu hết mọi người thường không nghĩ đến là tác động tiềm ẩn của việc uống rượu đối với sức khỏe não bộ về lâu dài”.
Cuộc khảo sát gần đây nhất vào năm 2022 cho thấy hơn 1/3 (khoảng 37%) người Ireland trưởng thành từ 15 tuổi trở lên uống rượu ít nhất một lần một tuần. Nhưng dữ liệu cho thấy tỷ lệ thanh thiếu niên và thanh niên uống rượu say là đáng lo ngại, đặc biệt vì não vẫn đang trưởng thành trong giai đoạn này của cuộc đời.
Rượu có thể ức chế quá trình hình thành tế bào thần kinh - quá trình hình thành các tế bào thần kinh mới trong não, có thể dẫn đến những thay đổi lâu dài về cấu trúc và chức năng bộ não của thanh thiếu niên.
Về mặt sức khỏe tâm thần, tình trạng say rượu không chỉ làm tăng nguy cơ mắc chứng lo âu, mà ước tính khoảng 20-27% những người mắc chứng lo âu tìm đến rượu để giải tỏa và giúp họ tự tin.
Mối quan hệ giữa uống rượu và chứng trầm cảm đã được chứng minh. Uống rượu làm tăng tâm trạng chán nản và mọi người thường tìm đến rượu để tạm thời giảm bớt trầm cảm hoặc làm tê liệt cảm xúc.
Theo Tiến sĩ Dave Rabin, nhà thần kinh học và tâm thần học, điều đầu tiên cần lưu ý là uống rượu trong thời gian dài (nhất là rượu mạnh) sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến trí nhớ. Ông chỉ ra hội chứng Wernicke-Korsakoff, “một hội chứng rất, rất nghiêm trọng, khó có thể hồi phục nếu mắc phải, do rượu làm thay đổi cấu trúc của tế bào não, ức chế khả năng hoạt động của não, và theo thời gian uống rượu thường xuyên sẽ gây ra sự thoái hóa, làm teo não – vốn rất quan trọng cho sự sống và hình thành trí nhớ”. (Hội chứng Wernicke-Korsakoff là chứng mất trí nhớ do thiếu thiamine hoặc vitamin B1 trong não. Rượu cản trở sự hấp thụ thiamine và cản trở enzyme chuyển đổi nó thành dạng hữu ích trong cơ thể).
Uống rượu quá nhiều ở độ tuổi trung niên là một trong 12 yếu tố rủi ro gây chứng mất trí nhớ (theo báo cáo của ủy ban Lancet năm 2018) – 1/3 trong số đó có liên quan chế độ ăn uống hoặc dinh dưỡng (tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì và rượu). Uống nhiều rượu là một trong những yếu tố rủi ro chính có thể ngăn chặn được đối với chứng sa sút trí nhớ sớm, xuất hiện trước 65 tuổi. Trong một nghiên cứu đối với 57.000 trường hợp có biểu hiện mất trí nhớ khi còn trẻ, 39% được xác định là tổn thương não liên quan đến rượu. Nam giới uống hơn 2 ly rưỡi mỗi ngày có dấu hiệu suy giảm nhận thức sớm hơn tới 6 năm so với những người không uống rượu hoặc đã bỏ rượu.
Tiến sĩ Rabin giải thích: “Khi bạn uống một ly rượu, rượu sẽ kích hoạt thụ thể/chất dẫn truyền thần kinh GABA ở phía trước não khiến não phản ứng chậm chạp. Khi chúng ta ngăn chặn hoạt động của não vùng trán, chúng ta làm suy yếu hai yếu tố rất quan trọng đối với việc ra quyết định và điều tiết cảm xúc”. Đây là một phần lý do một hoặc hai ly đồ uống có cồn có thể khiến mọi người cảm thấy dễ chịu, nhất là những người mắc chứng lo âu, vì rượu kích hoạt các thụ thể GABA, dẫn đến “suy giảm khả năng phán đoán, khả năng đưa ra quyết định và suy nghĩ chín chắn”. Tiến sĩ Rabin bổ sung: “Đối với một số người, rượu có thể thực sự hữu ích trong các tình huống xã hội, mặc dù đó không hẳn là cách tốt nhất để đối phó với chứng lo âu, vì một lần nữa, nó làm suy giảm khả năng nhận thức và phán đoán”. Điều này có thể khiến một người thực hiện các hành vi nguy hiểm như quan hệ tình dục không an toàn hoặc lái xe khi say rượu. Và nếu một người mắc chứng rối loạn sức khỏe tâm thần tiềm ẩn, như trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực, rượu có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Ngoài ra, tổn thương não (và các triệu chứng như sương mù não) cũng có thể do xơ gan, một biến chứng phổ biến khác của việc uống rượu trong thời gian dài.
Tóm lại, mặc dù một hoặc hai ly rượu có thể giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn trong môi trường xã hội hoặc giúp chúng ta thư giãn sau một ngày làm việc, điều quan trọng là phải nhận thức được những hậu quả tiềm ẩn của việc uống rượu nhiều và kéo dài. Nếu định uống rượu, hãy uống có trách nhiệm.