Biến đổi khí hậu tàn phá Mũi Cà Mau

  •   1,52
  • 4.016

Các chuyên gia dự báo, mực nước biển vùng Nam Bộ đến năm 2020 dâng thêm 0,3m. Theo tính toán, nếu nước biển dâng đến 0,7m thì diện tích tỉnh Cà Mau sẽ bị ngập tới 28%.

“Biến đổi khí hậu là nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau. Dự báo, vùng Nam Bộ đến năm 2020, mực nước biển sẽ dâng thêm 0,3m. Theo tính toán, nếu nước biển dâng đến 0,7m thì diện tích tỉnh Cà Mau sẽ bị ngập tới 28%, tập trung tại các vùng trũng thuộc khu dự trữ sinh quyển này”, đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trước sự bất thường của thời tiết vùng cực nam đất nước từ đầu năm tới nay.

Ông Lý Văn Nhạn, Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau, cũng cho biết: thực tế những năm gần đây, khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau đã bị “tàn phá” bởi nhiệt độ tăng, nước biển dâng, xâm nhập mặn. 

Cà Mau có nguy cơ ngập 28% do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ảnh: Ban quản lý KDTSQ Mũi Cà Mau.


Ngoài ra, trên 170.000 cư dân sông nước sống trong ở Mũi Cà Mau, nếu không có ý thức bảo vệ thiên nhiên cũng sẽ gây hại đến khu dự trữ sinh quyển này. “Chỉ riêng 2.000 hộ là dân di cư tự do ở đê biển Tây do thiếu việc làm thiếu ổn định, vẫn sống nhờ khai thác các nguồn lợi tự nhiên cũng làm tăng thêm mối nguy cho sự xâm hại khu dự trữ sinh quyển”, ông Nhạn nói.

Theo ông Nhạn, để bảo tồn hiệu quả khu dự trữ sinh quyển này, Cà Mau cần phải đưa ra chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính quyền tỉnh cũng sẽ gấp rút quy hoạch, sắp xếp lại dân cư ven biển, phát huy năng lực cộng đồng trong bảo vệ, gìn giữ môi trường sinh thái, ngăn chặn gấp các hành vi xâm hại trực tiếp đến tài nguyên.

Khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau có diện tích hơn 371.500 ha, gồm 3 vùng chức năng: vùng đệm, vùng lõi và vùng chuyển tiếp (gồm vườn quốc gia Mũi Cà Mau, rừng phòng hộ và bãi bồi ven biển Tây). Đây là nơi có quần xã thực vật đặc trưng của hệ sinh thái, đồng thời là nơi cư trú, bãi đẻ và nuôi dưỡng ấu trùng của các loài thủy hải sản khu vực vịnh Thái Lan.

Rừng phòng hộ ven biển Tây có cấu trúc đặc biệt về địa chất, với bờ biển thẳng, là cầu giữa 2 hệ sinh thái đặc trưng ở bán đảo Cà Mau, rừng ngập mặn và rừng tràm. Nhiều loài thực vật trong rừng ngập mặn là đại diện độc đáo cho các kiểu rừng thuần loại và hỗn giao, một số loài động vật được ghi trong sách đỏ của thế giới.

Theo Báo Đất Việt
  • 1,52
  • 4.016