"Biết bay" không còn là viễn tưởng

  •   3,34
  • 3.295

Làm cho các vật siêu nhỏ bay lên được là hoàn toàn có thể, bằng cách đảo chiều một hiện tượng quen thuộc, các nhà vật lý tuyên bố. Các nhà vật lý lý thuyết Anh cho biết họ có thể tạo ra "hiệu ứng bay lên khó tin" bằng cách lợi dụng lực Casimir.

Thông thường, lực này khiến cho các vật thể dính vào nhau ở cấp độ lượng tử. Nhưng khi đảo chiều nó lại khiến các vật đẩy nhau ra. Hiện tượng này có thể được lợi dụng để cải tiến tính năng của các thiết bị cá nhân như túi khí trong xe hơi hay các chip máy tính, giáo sư Ulf Leonhardt và tiến sĩ Thomas Philbin từ Đại học St Andrews cho biết.

Lực Casimir, được phát hiện năm 1948 nhưng mãi đến năm 1997 mới đo được chính xác. Một ví dụ của loại lực này là tắc kè với khả năng bám dính vào tường chỉ bằng một ngón chân.

Bay được là có thể về lý thuyết, nhưng chỉ với các vật nhỏ trong môi trường chân không, các nhà vật lý cho biết. (Ảnh: iStockphoto)

Tuy nhiên trong công nghệ nano, lực bám dính này lại có thể là một trở ngại. "Lực Casimir là nguyên nhân chủ yếu gây ra ma sát ở cấp độ nano (phần tỷ mét), đặc biệt là trong vài hệ thống điện cơ kích cỡ micromét", Leonhardt nói.

"Các máy móc kích cỡ nano hoặc micro mét có thể chạy êm hơn khi ma sát bằng không hoặc rất nhỏ nếu người ta có thể điều khiển được lực đó", ông nói. "Để giảm được ma sát trong công nghệ nano, việc biến lực dính của tự nhiên thành lực đẩy có thể là giải pháp tối ưu. Thay vì dính vào nhau, các phần của máy móc tí hon sẽ bay lên".

Làm thế nào?

Mặc dù các nhà vật lý không chứng minh được hiện tượng bay lên, song họ cho biết đã tìm ra cách để làm điều đó. Theo tính toán của họ, một thấu kính "hoàn hảo" có chỉ số khúc xạ âm đặt giữa hai bề mặt có thể khiến các bề mặt này đẩy nhau.

Thấu kính "hoàn hảo" có thể hội tụ một hình ảnh với độ phân giải không bị giới hạn bởi bước sóng ánh sáng. Mặt khác, thấu kính có chỉ số khúc xạ âm sẽ bẻ cong ánh sáng theo hướng ngược lại với vật liệu thông thường. Kết hợp hai đặc tính này sẽ làm thay đổi trường điện từ xung quanh hai bề mặt, tạo ra một lực đẩy đủ mạnh để nhấc một chiếc gương có độ dày 500 nanomét.

Leonhardt nhấn mạnh rằng lực nâng này sẽ chỉ ứng dụng được với các vật thể tí hon, mặc dù về nguyên tắc một ngày nào đó nó có thể dùng để nâng con người, song ngày đó sẽ còn rất xa.

"Còn hiện tại, câu chuyện về người biết bay vẫn chỉ là đề tài của các phim hoạt hình, các câu chuyện thần tiên hoặc huyền bí", ông nói.

T. An

Theo AFP, ABConline, Vnexpress
  • 3,34
  • 3.295