Bình gốm hoa nâu từ thế kỷ 11, 12 có tạo hình như một đóa hoa sen, được xác định là hộp thờ xá lị.
Bảo vật quốc gia được Thủ tướng ký công nhận hồi tháng 1, hiện thuộc bộ sưu tập An Biên của ôngTrần Đình Thăng tại TP Hải Phòng.
Ông Thăng cho biết sở hữu bình gốm từ những năm 1980, qua tư vấn của một nhà sưu tập Nhật Bản. Ông khẳng định bình là hiện vật độc nhất, có cách chế tác, hình dáng, họa tiết phản ánh đủ sắc thái văn hóa của triều đại, đồng thời mang giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Hiện vật có đường kính miệng 22,7 cm, đáy 18cm. (Ảnh: Cục Di sản Văn hóa).
Bảo vật còn tên gọi khác là liễn gốm hoa nâu thời Lý hay hộp thờ xá lị. Bình cao 25,5 cm, nặng 2,7kg, gồm hai phần rời là nắp và thân được lắp khớp với nhau. Nắp hình cầu dẹt, vành miệng hơi loe, núm cao có họa tiết hình bông sen nở với ba lớp cánh và những hạt tròn như hạt cườm trắng, nâu xen kẽ giữa hai đường chỉ nổi song song. Phần vai chạm tỉa băng cánh sen nổi đều nhau.
Thân dáng trụ, thành cong, trên nở, dưới thuôn, xung quanh thân chia 10 ô đều nhau hình chữ nhật, các góc lượn giống một tòa sen 10 cánh. Chân đế tạo hình đài sen nổi đặt trên một mặt tròn, dưới đáy để mộc, tạo sự vững chãi.
Bình làm từ đất sét trắng, cao lanh phủ men trắng ngà và tô men nâu. Khi chế tác, người thợ kết hợp in khuôn, nặn vuốt, chạm đắp điêu khắc tạo hoa văn trên bàn xoay, sau đó đưa vào lò nung với nhiệt độ trên dưới 1.200 độ C.
Theo tài liệu của Cục Di sản Văn hóa, sản phẩm có độ chín đồng đều ở cả xương đất, men, màu, ít dị tật cong vênh, phồng rộp. Màu của men nền có sắc ngà bởi đất làm xương chưa được lọc kỹ. Men nâu được tạo ra từ những nguyên liệu quặng đá khai thác tại chỗ, sau đó nghiền thành bột và hòa cùng vài phụ gia khác gồm đá son, oxit sắt. Khi nung ở nhiệt độ cao sẽ tạo các cấp độ của màu nâu như cà phê, hạt dẻ.
Hồ sơ bảo vật của Cục Di sản Văn hóa cho biết liễn gốm không chỉ mang giá trị mỹ thuật cao mà còn dùng thực hiện nghi lễ Phật giáo dưới triều Lý.
Qua màu men ngà điểm men nâu, tạo hình cánh sen cho thấy chiếc liễn có niên đại thế kỷ 11-12, được sưu tầm trên lãnh thổ Việt Nam. Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Phật giáo là đề tài chủ đạo trên gốm hoa nâu của triều Lý đến nhà Trần. Trong đó hoa sen và những biến thể của sen xuất hiện nhiều, chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Ngoài ra, căn cứ hình dáng và chủ đề hoa văn trang trí gồm các băng cánh sen, vòng tròn nhỏ, băng vạch thẳng song song trên liễn, nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ, mỹ thuật, di sản văn hóa Việt Nam xác định hiện vật thuộc dòng đồ phục vụ Phật giáo của triều đại,là pháp bảo đặt xá lị, pháp thân để thờ phụng trong bảo tháp.
Cục Di sản Văn hóa khẳng định hiện vật đậm sắc thái bản địa của người Việt, mang hồn cốt văn hóa, chính trị của nhà nước quân chủ thời Lý, khi Phật giáo trở thành Quốc giáo. Chi tiết thân bình chia thành 10 múi thể hiện quan niệm văn hóa cổ đại phương Đông: ''Chín phương trời, 10 phương Phật", mang nghĩa mọi không gian đều có Phật. Hồ sơ bảo vật trích theo Phật giáo đại thừa: ''Chúng sinh khi tâm có Phật sẽ sống trong tỉnh thức, chánh niệm được Phật độ trì, phù hộ không rơi vào cảnh khổ".
Bên cạnh đó, đây là một trong những đại diện điển hình cho sự phát triển của nghệ thuật gốm sứ triều Lý, phản ánh giá trị tư tưởng, trình độ thẩm mỹ của thời đại, cũng như cho thấy đời sống sinh hoạt tín ngưỡng. Các học giả nhận định chỉ khi xã hội thanh bình, phát triển, nghệ nhân làm gốm lấy đạo Phật di dưỡng tinh thần mới tạo được loại hình sản phẩm xuất sắc, giàu mỹ cảm văn hóa.