Bọ xít tự ăn phân để sống sót

  •  
  • 862

Đây là một trong các trường hợp thú vị về "phân" côn trùng. Ngoài việc ăn phân của bọ xít ra, các loài côn trùng khác còn sử dụng phân của chính chúng cho những mục đích khác nhau, ví dụ để kêu gọi bạn tình hoặc thậm chí là để xây nhà.

Với bất kỳ loài động vật nào, hầu như việc ăn vào sẽ đi kèm với việc xả ra. Chỉ trừ các trường hợp đặc biệt, nhất là côn trùng, ở một số giai đoạn chúng có thể không ăn nên sẽ không phát sinh nhu cầu xả. Song nhìn chung thì... đã ăn là phải xả! Trong mắt các nhà sinh vật học, cụ thể là côn trùng học, phân của các loài này cũng là một nguồn thông tin hữu ích. Nhất là trong lĩnh vực phòng chống dịch hại trong nông nghiệp mà chủ yếu đến từ côn trùng. Việc hiểu cách ăn uống có thể giúp chúng ta đối phó với những loài dịch hại mà không cần phải dùng đến các loại thuốc trừ sâu vốn không tốt cho môi trường.

Nếu thấy mùn cưa cứ xuất hiện liên tục thì đó thực chất chính là phân côn trùng!
Nếu thấy mùn cưa cứ xuất hiện liên tục thì đó thực chất chính là phân côn trùng!

Theo nhà côn trùng học Joe Ballenger, về cơ bản, hệ tiêu hoá của côn trùng cũng gần tương tự với con người. Bộ ruột của chúng được chia làm 3 phần - ruột trước, ruột giữa và ruột sau. Ruột trước là nơi mà thức ăn sau khi qua miệng sẽ được chứa và nghiền nát tại đấy. Các chất dinh dưỡng sau đấy sẽ được hấp thụ tại ruột giữa. Chỉ riêng ruột cuối có chút khác biệt khi nó không chỉ chứa chất thải rắn mà cả chất thải lỏng cũng được tập trung tại đấy. Tuy vậy thay vì để "tiểu" ra ngoài, ruột cuối sẽ giữ lại nước và chỉ thải ra ngoài chất thải rắn.

Với các côn trùng, một điểm thú vị khác các loài có xương sống là khi chúng "lột da" để lớn lên, phần "da" này sẽ bao gồm luôn cả bộ ruột cũ của chúng. Bởi vì bộ ruột của côn trùng cũng là một thành phần của bộ xương ngoài (exoskeleton), vốn có chức năng cho các bào quan cơ thể bám vào đấy.

Phân của mối là sự kết hợp giữa gỗ chưa tiêu hoá hết và một số chất thải rắn khác.
Phân của mối là sự kết hợp giữa gỗ chưa tiêu hoá hết và một số chất thải rắn khác.

Phân côn trùng thường có dạng những viên bi nhỏ, với kích thước tuỳ thuộc vào kích thước cơ thể con vật. Thành phần phân của chúng cũng khác nhau, tuỳ theo loại thức ăn đầu vào. Những loài bọ ăn cây gỗ có phân trông giống như mạt cưa (mà thực chất đúng là mạt cưa). Còn phân gián lại giống bụi trong nhà của loài người. Riêng các loài mối thì phân của chúng cực kỳ hữu ích - tổ của chúng thực chất được làm từ phân và những mẩu gỗ chưa được tiêu hoá hết. Tương tự các loài động vật khác, phân côn trùng cũng trở lại với đất và đóng vai trò như phân bón cho cây trồng.

Song một số loài côn trùng lại nghĩ ra nhiều cách dùng khác cho thứ "sản phẩm đặc biệt" này. Như loài bọ cánh cứng đục thân cây (bark beetle) thường bổ sung thêm pheromone vào phân của chúng để "mời gọi" những con bọ khác. Loại hormone "mời gọi sinh dục" này có tác dụng kêu gọi bạn tình hoặc mở đầu cho các giao tiếp "cộng đồng" khác giữa chúng.

Với loài bọ xít (stinkbug) có mùi hôi cực kỳ dễ nhận biết, khi các con bọ cái đẻ trứng, chúng sẽ phủ lên những cái trứng một lớp phân. Mục đích của hành vi này là để cho đám bọ con sau khi nở ra, sẽ có thể... ăn ngay để mà sống! Các nhà côn trùng học phát hiện ra rằng, những khối phân của bọ xít có kèm theo một số vi khuẩn cộng sinh, có tác dụng tương tự các liều kháng sinh mà chúng ta dùng để tiêm chủng cho trẻ khi mới chào đời. Ballenger mô tả: "Nếu chúng ta tách bọ mẹ ra khỏi đám trứng, hoặc đem rửa sạch trứng với các dung dịch diệt khuẩn, đám bọ non sẽ chết vì chúng không nhận được các liều tiêm chủng này".

Bọ xít nghĩ ra cách tiêm chủng sáng tạo nhờ... phân.
Bọ xít nghĩ ra cách tiêm chủng sáng tạo nhờ... phân.

Các sinh vật cộng sinh là điều thú vị cho các nhà nông học. Họ tin rằng nếu chuyển mục tiêu qua những loài vi khuẩn quan trọng cho hệ tiêu hoá này của côn trùng, các nông dân có thể loại bỏ được các loại dịch hại mà ít gây tác dụng phụ lên môi trường hơn các loại thuốc trừ sâu truyền thống.

Các phát hiện khác về phân của côn trùng cũng ngày càng nhiều hơn. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy thêm nhiều loại men vi sinh khác trong phân của nhiều côn trùng ở Thái Lan, trong phân của ong bắp cày đục gỗ và trong phân của loài dịch hại đối với cây dừa Conopomorpha cramerella.

Nhưng đây đó trong tự nhiên, vẫn luôn có những trường hợp đặc biệt. Một số loài côn trùng không ăn khi vào giai đoạn trưởng thành. Do đó chúng không thải ra gì cả. Những loài côn trùng phù du hoặc bướm đêm là các ví dụ đánh đổi "tuổi xuân" khi bước vào giai đoạn trưởng thành chỉ để làm một việc duy nhất là tìm bạn tình và sinh sản càng nhiều càng tốt.

Các loài bướm đêm nhịn ăn chỉ để... yêu.
Các loài bướm đêm nhịn ăn chỉ để... yêu.

Có một số loài ngược lại, chọn cách ăn nhưng không... xả trong suốt một thời gian dài. Bộ côn trùng cánh gân (lacewing), vốn chuyên săn các loài côn trùng dịch hại, chọn cho mình cách chỉ ăn trong suốt giai đoạn ấu trùng. Ruột của chúng chỉ có một ngõ vào duy nhất - thức ăn chỉ đi vào chứ không ra. Và đến khi chúng lột xác để trưởng thành, việc đầu tiên nhóm côn trùng này làm là... đi vệ sinh cho toàn bộ thời ấu thơ!

Cập nhật: 27/03/2017 Theo vnreview
  • 862