Hai ngày sau khi công bố dịch tiêu chảy cấp, chiều qua Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị bệnh tả, với những triệu chứng như tiêu chảy liên tục có khi hàng chục lít một ngày; phân toàn nước, trắng đục như nước vo gạo...
Bệnh tả do vi khuẩn hình dấu phẩy Vibrio cholerae gây ra, gây mất nước và điện giải trầm trọng, dẫn đến sốc nặng và tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tả từng gây các đại dịch làm chết hàng triệu người, đến nay vẫn còn xảy ra dịch ở châu Phi và một số nước châu Á. Ở Việt Nam vẫn có các trường hợp tản phát, thường vào mùa hè ở các tỉnh ven biển.
Phẩy khuẩn tả có thể tồn tại nhiều năm trong các động vật thân mềm vùng ven biển, dễ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ và các chất diệt khuẩn thông thường. Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến 5 ngày.
Triệu chứng
Biểu hiện ban đầu là sôi bụng, đầy bụng, tiêu chảy vài lần. Sau đó, bệnh nhân tiêu chảy liên tục rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít một ngày. Phân tả toàn nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không có nhầy máu.
Bệnh nhân nôn rất dễ dàng (lúc đầu ra thức ăn, sau toàn nước), thường không sốt, ít khi đau bụng. Do mất nước và điện giải, người bệnh mệt lả, bị chuột rút.
Bệnh tả có 4 thể:
Vi khuẩn gây bệnh tả. |
Ở trẻ em, thường bệnh ở thể nhẹ giống như tiêu chảy thường, có nôn, thường sốt nhẹ.
Điều trị
Nguyên tắc là cách ly bệnh nhân, bồi phụ nước và điện giải, dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn. Không được dùng các thuốc làm giảm đi cầu.
Các ca bệnh nặng, không đo được mạch và huyết áp thì phải cấp cứu tại chỗ, nếu chuyển tuyến quá xa thì tiên lượng càng nặng thêm. Bệnh nhân được ra viện khi hết tiêu chảy, tình trạng lâm sàng ổn định, kết quả xét nghiệm cấy phân 3 lần đều không có khuẩn tả (thường sau khi ổn định về lâm sàng khoảng 1 tuần).
Phòng bệnh
Cách ly bệnh nhân ở buồng riêng. Xử lý phân và chất thải bằng cloramin B 10% theo tỷ lệ 1/1 hoặc vôi bột. Khử khuẩn quần áo, chăn màn, dụng cụ, phương tiện chuyên chở bệnh nhân bằng dung dịch cloramin B 1-2%, nước Javen 1-2% hoặc nước sôi.
Điều trị dự phòng cho những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân bằng kháng sinh.
Các biện pháp dự phòng chung: Vệ sinh môi trường, đảm bảo cung cấp nước sạch. Ăn chín, uống sôi, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, nước đá, nước giải khát. Không nên ăn các hải sản tươi sống, mắm tôm sống vì nguồn bệnh có thể ở trong đó và lây bệnh.
Sử dụng vắcxin tả uống cho những vùng có nguy cơ dịch theo chỉ đạo của cơ quan y tế dự phòng.