Bộ Y tế chính thức lên tiếng về bọ xít hút máu

  •  
  • 1.262

Sau gần 3 tháng có thông tin về loại bọ xít hút máu xuất hiện tại nhiều địa phương, trước sự hoang mang lo lắng của người dân, hôm nay (23/9), Bộ Y tế chính thức lên tiếng về loại bọ xít hút máu này.


Bộ Y tế khẳng định, loài bọ xít Triatoma rubrofassiata tại Việt Nam đã xuất hiện từ lâu và không có khả năng truyền bệnh Chagas, mà chỉ gây khó chịu, đau ngứa và rát tại vết đốt

Bộ Y tế khẳng định, ở Việt Nam, bọ xít hút máu đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có thông tin, tài liệu và nghiên cứu nào thông báo có các loài bọ xít lây truyền bệnh ở Việt Nam. Kết quả xét nghiệm 19 mẫu máu của 19 người ở 19 hộ gia đình bị bọ xít đốt không phát hiện ký sinh trùng gây bệnh Chagas.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, trên thế giới có khoảng 3.000 loài bọ xít khác nhau, trong đó có một số loài hút máu động vật, trong quá trình tồn tại và phát triển của loài này, người có thể là đối tượng ngẫu nhiên bị bọ xít đốt.

Về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh Chagas (còn gọi là bệnh ngủ) do bọ xít đốt, Bộ Y tế cũng khẳng định, tại Việt Nam, bọ xít đã xuất hiện từ lâu và cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố có bệnh Chagas ở Việt Nam. Cụ thể, theo báo cáo của các Viện Sốt rét- Ký sinh trùng- Côn trùng hiện thu thập được một số bọ xít ở các địa phương được các chuyên gia phân loại bọ xít của Viện Sinh thái- Tài nguyên sinh vật định loại là Triatoma rubrofassiata. Loài này khác với loài bọ xít Triatoma dimidiata phổ biến ở Trung Mỹ và loài Triatoma infestans phổ biến ở vùng Nam Mỹ có thể gây truyền bệnh Chagas. Đến nay, chưa có tài liệu nào công bố giống bọ xít Triatoma tại Việt Nam có khả năng truyền bệnh Chagas.

Ông Bình khẳng định, loài bọ xít hút máu này khi đốt chỉ gây cảm giác khó chịu, đau rát và ngứa tại vết đốt, đặc biệt là đối với người có cơ địa dị ứng. Vì thế, khi bị bọ xít đốt, nên rửa ngay vết đốt bằng xà phòng, tránh không gãi tại chỗ vết đốt, nếu vết đốt sưng nề cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị chống dị ứng và nhiễm trùng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu cần ngủ màn, giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào màn đốt người. Khi phát hiện bọ xít nên tắt đèn và dùng đèn pin soi tìm và diệt bọ xít. Thường xuyên vệ sinh nơi ở, sinh hoạt, phun diệt bằng các sản phẩm hóa chất diệt côn trùng đã được Bộ Y tế cấp đăng ký lưu hành nếu phát hiện thấy bọ xít.

Theo Dân trí
  • 1.262