Bọt biển (hải miên) tạo ra những cái kim thủy tinh dài tới hàng mét, cung cấp những chất hữu hiệu chống bệnh ung thư và có khả năng lọc sạch nước biển loại bỏ chất độc. Nhờ những khả năng đa dạng và rất quý giá này nên bọt biển trở thành một đối tượng nghiên cứu rất được ưa chuộng trong lĩnh vực y và dược học.
Giáo sư Werner Muller thuộc Đại học Johannes Gutenberg ở Mainz (Đức) nghiên cứu hàng chục năm giải thích "bọt biển thuộc loại sinh vật biển có thể tạo ra một lượng hoạt chất sinh học vô tận". Bọt biển thực sự là "một tủ thuốc tự nhiên": Từ chiết xuất bọt biển có thể sản xuất các loại thuốc trị ung thư và viêm da do virut (Herpes). Gần đây, loại sinh vật biển này được đặc biệt chú ý trong các ngành khoa học vật liệu và công nghệ sinh học nano. Người ta có thể sản xuất từ bọt biển nguyên liệu thay thế xương, để trám răng cũng như sản xuất lớp keo bảo vệ đối với tàu biển và nhiều loại vật liệu khác.
Werner Müller - nhà nghiên cứu về bọt biển. Ảnh: SK&ĐS
Bọt biển là loại sinh vật có sức đề kháng cao
Bọt biển còn là loại sinh vật có khả năng kháng độc rất mạnh. San hô, các loại rong tảo và cá khi tới gần bọt biển đều bị "đánh trả bằng vũ khí hóa học''. Theo Andreas Kunzmann thuộc Trung tâm Sinh thái biển nhiệt đới ở Bremen thì thực ra không phải bọt biển trực tiếp sản xuất các loại chất độc để đề kháng mà nó "huy động, tập trung các loại vi khuẩn có khả năng đánh trả này".
Chính vì thế GS. Muller cho rằng, bọt biển còn chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn đối với ngành dược phẩm. Bọt biển có sức sống cực kỳ dẻo dai ngay cả trong điều kiện hết sức ngặt nghèo như dưới những lớp băng giá lạnh hay trong điều kiện khô hạn kéo dài ở vùng Amazon. Bọt biển thuộc loại động vật xuất hiện lâu đời nhất trên trái đất. Theo các nhà nghiên cứu, chính nhờ trải qua giai đoạn tiến hóa trên 800 triệu năm nên nhiều chất ở chúng đã được hoàn thiện và đạt hiệu quả cao nhất.
Trên biển cũng như tại các bến cảng, bọt biển là đội quân vệ sinh rất hùng hậu. Một kilô mô bọt biển mỗi ngày có thể lọc một tấn nước. Các chất độc hại trong nước hầu như không có khả năng gây hại đối với chúng. Bọt biển có thể tiếp nhận một lượng thủy ngân cao gấp 15.000 lần so với môi trường xung quanh chúng mà không bị tổn thương vì ô nhiễm.
Trọng tâm nghiên cứu trong những năm gần đây đối với loại sinh vật này là chuỗi bọt biển hình thành từ thủy tinh thạch anh. Để chế tạo thủy tinh thạch anh công nghiệp cần có nhiệt độ 2.000 độ và một số loại hóa chất đặc biệt. Trong khi đó ngoài tự nhiên bọt biển có thể tạo ra thủy tinh thạch anh từ những enzym đặc biệt ở nhiệt độ trong phòng và trong điều kiện sinh lý bình thường. Hiện tại, người ta đang nghiên cứu trộn silicat sinh học vào thuốc đánh răng để bảo vệ răng. Ngoài ra, chất này còn tác động tích cực đến quá trình hóa xương như trong các trường hợp bị gãy xương.
Kim bằng thủy tinh thạch anh có khả năng dẫn ánh sáng tuyệt vời
Tuy nhiên chuỗi bọt biển còn có nhiều công dụng khác, một số loại bọt biển có khả năng tạo những cái kim thủy tinh thạch anh dài nhiều mét, đường kính khoảng 1mm, chúng có khả năng dẫn ánh sáng rất tốt. Theo Muller, nhờ đặc tính này nên "chúng được ngành viễn thông đặc biệt quan tâm". Chất lượng dẫn ánh sáng trong nguyên liệu hữu cơ tốt hơn hẳn so với mạng lưới thủy tinh thạch anh hiện nay.
Trong phòng làm việc của GS. Muller có một bộ xương của con "bọt biển ô doa", nó có dạng hình trụ và có nhiều lỗ nhỏ. Người Nhật gọi loại bọt biển này là "nhà tù của các cặp vợ chồng". Ấu trùng một số loại cua chui qua những cái lỗ nhỏ này vào trong bọt biển. Thường chúng sống thành đôi ở đây. Nhưng khi đạt một độ lớn nhất định thì chúng không thể chui qua những cái lỗ này vì thế chúng phải sống cả đời trong đó. Ngoài cua còn có một số loài ốc và bọ đất bị nhốt trong bọt biển.