Sự việc mất nguồn phóng xạ tại Viện Công nghệ xạ hiếm thời gian gần đây đã được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, hiểu biết đúng về tác dụng cũng như lợi ích của các nguồn phóng xạ là vấn đề đang đặt ra khi các ngành khoa học, kinh tế của nước ta ngày càng ứng dụng chúng nhiều hơn.
Chất phóng xạ có ích lợi như thế nào?
Qua nhiều thập kỷ, các chất phóng xạ (PX) nhân tạo đã đem lại nhiều lợi ích to lớn trong chẩn đoán, điều trị bệnh, cũng như hàng loạt kỹ thuật trong khoa học, nghiên cứu, nông nghiệp và công nghiệp, những lĩnh vực đã cải thiện cuộc sống trên trái đất với mức độ khó có thể đánh giá được.
Trong công nghiệp, tia X được dùng để soi hành lý tại các sân bay, kiểm tra các khuyết tật mối hàn và các vết hàn hoặc các vết nứt trong công trình xây dựng, các đường ống và các cấu trúc khác... Bức xạ (BX) mạnh đã được sử dụng thành công trong việc phát triển 1.500 giống cây lương thực và cây trồng khác cho sản lượng cao, chống chịu tốt hơn với điều kiện thiên nhiên và sâu bệnh.
Tại sao bức xạ có thể gây ra bệnh ung thư?
Khi BX xuyên qua một vật vô sinh, sẽ không nhận thấy sự thay đổi về cấu trúc. Nhưng khi BX vào một điểm của tế bào sống có thể làm tổn thương lâu dài đến mô. Về nguyên tắc, ngay cả một lượng BX ion hóa nhỏ nhất cũng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ của hoạt động tế bào.
Tuy vậy khả năng liều xạ nhẹ dẫn đến ung thư là rất ít. Các tế bào trong cơ thể con người đổi mới liên tục, không ngừng. Do vậy, theo đánh giá, liều cao một lần có thể gây tử vong, trong khi với cùng liều như vậy nhưng chịu dần dần, lâu dài có thể không gây bất cứ biểu hiện bệnh tật nào.
* Từ năm 1944 đến 1999, trong 405 tai nạn bức xạ trên toàn thế giới, khoảng 3.000 người đã bị tổn thương, trong đó 120 người chết. * Liều bức xạ được thể hiện bằng Sievert (Sv) theo tên của TS Rolf Sievert, người Thụy Điển. Vì Sv là một đơn vị đo lường tương đối lớn nên người ta thường dùng mili Sievert (mSv). Liều bức xạ tự nhiên trung bình đối với một người là từ 0,001 đến 0,002 Sv hoặc là từ 1 - 2 mSv/năm. |