Các nhà khoa học tại Đại học Sydney phát hiện rằng, loài cá tiếp xúc với hóa chất công nghiệp BPA ở những vùng nước ấm thường cần nhiều thức ăn hơn để lớn lên và đạt được kích thước nhất định.
Nghiên cứu mới cũng chỉ ra, loài cá khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn và một chất hóa học phổ biến trong nhựa sẽ bị chậm phát triển. Nó cũng cho thấy sự kết hợp của ô nhiễm nhựa và sự nóng lên toàn cầu tạo ra những tác động xấu rất lớn đến các quần thể biển. Trong môi trường có chứa hóa chất công nghiệp bisphenol A - thường được gọi là BPA - loài cá sẽ cần nhiều năng lượng hơn để phát triển trong vùng nước có nhiệt độ cao.
Hóa chất BPA liên quan trực tiếp đến chức năng sinh sản và phát triển.
BPA là một hóa chất phổ biến được sử dụng trong sản xuất nhựa và đã được chứng minh là làm gián đoạn tín hiệu hormone, tác động đến quá trình trao đổi chất và tăng trưởng ở động vật biển. Còn ở người, BPA liên quan trực tiếp đến chức năng sinh sản và phát triển, đáng buồn là hiện hàng triệu tấn hợp chất này vẫn được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm.
Các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm cho loài cá ngựa vằn tiếp xúc với mức BPA thường thấy trong các tuyến đường thủy. Họ phát hiện hóa chất làm giảm năng lượng cần thiết để phát triển của cá ở 24 độ C, nhưng khi nhiệt độ nước ở mức 30 độ C lại cản trở rất lớn để sự phát triển của chúng. Mức 30 độ C là nhiệt độ các loài động vật có thể gặp phải thường xuyên trong môi trường sống tự nhiên, do tác động của sự nóng lên toàn cầu.
Kết quả này cũng chỉ ra sự cần thiết của việc can thiệp để giảm thiểu biến đổi khí hậu và rác thải nhựa trên toàn cầu, Frank Seebacher, giáo sư sinh học tại Đại học Sydney, tác giả nghiên cứu cho biết. Ông cũng nói thêm: "Sự kết hợp giữa nhiệt độ cao và BPA làm tăng chi phí năng lượng cho quá trình tăng trưởng, có nghĩa là động vật cần ăn nhiều hơn để sinh sôi và phát triển, vấn đề này tác động nhiều nhất đến các loài cá lớn và động vật ăn thịt".
"Trong môi trường biển, tồn tại một tầng dinh dưỡng khác đến từ các động vật nhỏ, nhưng số lượng của chúng sẽ ngày càng ít đi do ô nhiễm nhựa và nóng lên toàn cầu. Đó chính là một vấn đề tiềm ẩn đối với tính bền vững trong tỷ lệ đánh bắt, khi trữ lượng cá biển giảm đi." Hóa chất BPA được thải vào môi trường biển từ nước thải sản xuất, giống như việc phân hủy chất dẻo. "Bất cứ nơi nào có nhiều nhà máy sản xuất, nhiều ô nhiễm nhựa, bạn sẽ thấy mức BPA cao hơn".
Các nhà nghiên cứu cũng đã thử lập mô hình nguy cơ nóng lên và ô nhiễm nhựa ở các khu vực ven biển kết hợp với cường độ đánh bắt hiện nay. Phân tích này dự đoán rằng khu vực Đông Nam Á có nguy cơ giảm sinh khối cá cao nhất ảnh hưởng trực tiếp từ sự ấm lên và ô nhiễm. Ngoài ra Nam Bắc Mỹ và bắc Nam Mỹ cũng sẽ thực sự bị ảnh hưởng.
Một hạn chế trong phát hiện này chính là mẫu thí nghiệm mà các nhà khoa học sử dụng là cá ngựa vằn vì chúng là loài cá nhỏ sống trong môi trường nước ngọt. Tuy nhiên Seebacher hy vọng những phát hiện này cũng sẽ đúng với các loài cá khác, mặc dù sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để chắc chắn điều này.
Ông cho biết: "Tất cả các hệ thống nội tiết đều được bảo tồn cao giữa các động vật có xương sống, và vẫn có sự khác biệt giữa các động vật có xương sống về cách chúng phản ứng với ô nhiễm nhựa, nhưng khả năng tồn tại và phát triển ở tất cả các loài phải được chứng minh là sẽ bị ảnh hưởng".