Cá hoàng đế châu Phi: Loài cá kỳ dị khi cá mẹ ăn thịt con non nuôi trong miệng

  •  
  • 282

Cá hoàng đế ở châu Phi nuôi con trong miệng và đôi khi ăn thịt con non nhằm tăng lượng chất chống oxy hóa trong cơ thể.

Một loài cá hoàng đế ở Trung Phi có tên cá ấp trứng trong miệng Burton (Astatotilapia burtoni) đôi khi ăn hơn 3/4 số trứng và con non của chúng. Theo Peter Dijkstra, nhà sinh vật học ở Đại học Central Michigan, đồng tác giả nghiên cứu công bố hôm 10/9 trên tạp chí Biology Letters, cho biết số lượng này rất nhiều.

 Cá hoàng đế mẹ nhả con non nuôi trong miệng.
Cá hoàng đế mẹ nhả con non nuôi trong miệng. (Ảnh: Jane Burton)

Ấp trứng trong miệng rất phổ biến ở cá, đặc biệt là cá hoàng đế, loài cá nước ngọt sặc sỡ thường được nuôi như cá cảnh trong thủy cung. Sau khi trứng được thụ tinh, cá A. burtoni mẹ sẽ ngậm chúng trong miệng suốt hai tuần để bảo vệ chúng khỏi động vật ăn thịt. Trứng nở thành cá con và đàn cá con bơi ra khỏi miệng cá mẹ nhưng vẫn trở về khi gặp nguy hiểm. Đó là khởi đầu tốt cho cá con nhưng vô cùng mệt mỏi đối với cá hoàng đế mẹ. Nó không thể thở hoặc ăn bình thường trong suốt thời kỳ nuôi con.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy cá mẹ có thể đối phó bằng cách ăn một số con non của nó trong hành vi mang tên "ăn thịt con đẻ". Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học liên hệ kiểu ăn thịt đồng loại này với sức khỏe của con mẹ, theo trưởng nhóm nghiên cứu Jake Sawecki ở Đại học Michigan. Việc cá mẹ tăng cường sức khỏe nhờ ăn thịt con non của chính nó nghe có vẻ khác thường, đặc biệt từ khía cạnh tiến hóa. Nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy lượng chất chống oxy hóa tăng vọt mà cá mẹ thu được từ hành vi trên nhiều khả năng cho phép chúng đẻ trứng lần nữa sau vài tháng.

Trong nghiên cứu, Sawecki và Dijkstra nuôi một số đàn cá hoàng đế thuộc cả hai giới tính trong phòng thí nghiệm ở Đại học Central Michigan. Qua vài tuần, nhóm nghiên cứu xác định khoảng 80 con cái đẻ trứng gần đây. Họ kiên nhẫn lấy tất cả trứng ra khỏi miệng cá cái. Sau đó, họ đặt khoảng 25 quả trứng vào miệng một nửa số cá cái bằng ống hút nhựa. Những con cá không có trứng được nuôi như nhóm kiểm soát.

Sau hai tuần quan sát, các nhà nghiên cứu nhận thấy cá mẹ ăn trung bình khoảng 40% con non và hơn 93% cá mẹ (29 trên 31 con) đã ăn ít nhất vài con non. Tiếp theo, họ đánh giá mức độ mất cân bằng oxy hóa của cá mẹ, đo bằng công cụ đánh dấu sinh hóa học trong mô của chúng. Ví dụ, một số chất hóa học có nồng độ cao trong gan có thể hé lộ sự mất cân bằng, dẫn tới tổn thương tế bào, bệnh dịch và viêm nhiễm.

Ở 3 giai đoạn nghiên cứu, các nhà nghiên cứu giết vài con cá mẹ để kiểm tra mô. Họ nhận thấy cá mẹ với mức độ mất cân bằng oxy hóa cao ăn thịt nhiều con non hơn, từ đó hưởng lợi từ sự tăng vọt chất chống oxy hóa mà chúng tiêu thụ.

Bất chấp hành vi ăn thịt con non, cá hoàng đế vẫn là bà mẹ tận tâm, theo nhà ngư học Prosanta Chakrabarty, quản lý cá ở Bảo tàng Khoa học Tự nhiên tại Đại học Louisiana. "Phần lớn mọi người cho rằng cá chỉ đẻ trứng và phớt lờ đàn con, điều đó đúng với vài loài. Nhưng cá hoàng đế vẫn là bà mẹ tốt", Chakrabarty nói.

Cập nhật: 10/11/2022 VnExpress
  • 282