Cá mập trắng bị săn đuổi chết rục hàng loạt, thủ phạm lần này không phải con người

  •  
  • 2.995

Thứ gì có thể khiến một trong những kẻ săn mồi vĩ đại nhất đại dương gục ngã? Đáp án là một con quái vật khác.

Kích thước to lớn, hàm răng hàng trăm cái nhọn hoắt, lởm chởm như một cỗ máy xay thịt, ánh mắt thì vô hồn và trắng dã - tất cả đã biến cá mập trắng khổng lồ thành một trong những sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn dưới đại dương.

Nhưng thế giới tự nhiên mà, luôn tồn tại những hiểm nguy, kể cả với kẻ đứng đầu. Nếu không cẩn thận, cá mập trắng cũng có thể mất mạng bất kỳ lúc nào, như những cái xác cá mập mới dạt vào bờ biển Nam Phi vừa qua.

Một trong những con cá xấu số dạt vào bờ.
Một trong những con cá xấu số dạt vào bờ.

Chính xác hơn thì tính từ đầu năm 2018, đã có ít nhất 5 báo cáo về xác cá mập trắng khổng lồ dạt bờ. Kích cỡ của chúng, con nhỏ nhất là 2,7m, lớn nhất lên tới 4,9m - tức là cũng thuộc hạng đáng gờm của đại dương. Vậy mà tất cả chúng đều bị những vết thương hết sức kinh hoàng trên thân thể, có con bị đục lỗ sâu hoắm ở khoảng giữa vây lưng và gan.

Câu hỏi là thứ gì có thể xử lý được những con quái vật được mệnh danh là "kẻ hủy diệt" của đại dương? Đáp án phải là một con quái vật khác, và đó là cá voi sát thủ (killerwhale hay orca).

Cụ thể thì tại những nơi xác cá mập dạt bờ, người ta cũng phát hiện thấy một tổ nhóm cá voi sát thủ ở đó. Dựa trên quy mô vết thương, cá mập trắng đã bị chính lũ cá voi sát thủ săn đuổi đến thiệt mạng.

Việc cá voi sát thủ đi săn cá mập không phải là hiếm.
Việc cá voi sát thủ đi săn cá mập không phải là hiếm.

Trên thực tế, việc cá voi sát thủ đi săn cá mập không phải là hiếm. Tùy từng khu vực, các nhóm cá voi sát thủ sẽ săn những con mồi khác nhau. Như tại Bắc Mỹ chúng chỉ săn cá, trong khi nhóm ở Nam Cực thì săn cá voi mũi nhọn (minke whales). Còn tại Nam Phi, chúng săn cá mập và cá đuối - những sinh vật to lớn nhất trong vùng biển này.

Cách săn của cá voi sát thủ cũng rất tàn độc. Chúng cắm ngập răng vào cá mập, moi lá gan ra ngoài, rồi để mặc cái xác muốn trôi đi đâu cũng được. Theo các chuyên gia hải dương học, cá voi sát thủ nhắm vào gan là có lý do.

Đối với cá mập và cá đuối, gan là nơi tập trung rất nhiều dinh dưỡng, cung cấp một phần năng lượng khổng lồ. Bởi lẽ khác với các loài cá thông thường, cá mập không có bong bóng để tạo độ nổi. Thay vào đó chúng sở hữu một lá gan rất nhiều dầu, dùng để kiểm soát lực đẩy của nước, đồng thời nạp năng lượng cho chính bản thân chúng. Bằng cách nào đó, cá voi sát thủ biết được điều này, và hậu quả là những cái xác dạt bờ biển chúng ta đã nêu trên.

Xác một con cá mập trắng chết rục xương dạt vào bờ.
Xác một con cá mập trắng chết rục xương dạt vào bờ.

Điều ấn tượng nhất ở đây là cá voi sát thủ có thể dễ dàng hạ gục những con cá mập có chiều dài trên 5m. Ngạc nhiên hơn nữa, các bằng chứng cho thấy dường như lũ cá voi có thể lợi dụng điểm yếu chết người của cá mập - hiện tượng mang tên tonic immobility (tạm dịch: bất động liệt cơ).

Lý giải sơ về hiện tượng này, đại khái là cá mập và cá đuối khi lật ngược lại sẽ rơi vào trạng thái bất động tạm thời. Lợi dụng điều đó, các thợ lặn có thể "thôi miên" cá mập, khiến chúng trở nên bất động để gắn định vị theo dõi và thực hiện một số nghiên cứu sâu hơn ngay trong môi trường nước.


Quá trình thôi miên cá mập của một thợ lặn.

Nhưng cá voi sát thủ cũng biết điều đó. Một số báo cáo tại vùng duyên hải phía Tây Hoa Kỳ có ghi lại rằng cá voi sát thủ đã tấn công một con cá mập từ mặt bên cạnh, lật ngửa nó lên và giữ cho đầu của cắm xuống. Với những trận chiến sinh tử như vậy, chỉ cần lơ là một giây thôi là đủ để trả giá đắt. Đằng này, cá mập bất động đến cả phút.

Hơn nữa, một số loài cá mập không thể thở được khi ngừng bơi. Hay nói cách khác, chúng thực sự có thể chết đuối, và kẻ dìm chúng chính là cá voi sát thủ.

Dù vậy, lý do vì sao xác cá mập lại xuất hiện nhiều trong năm 2018 vẫn là một câu hỏi chưa thể trả lời. Hãy chờ xem tương lai, khoa học sẽ nói gì về chúng.

Cập nhật: 07/11/2018 Theo helino
  • 2.995