Cá voi sát thủ cái sống thọ hơn 80 năm - lâu hơn nhiều so với cá voi sát thủ đực, và có một lý do đặc biệt cho điều đó.
Có một sự chênh lệch rất lớn về tuổi thọ giữa cá voi sát thủ đực và cái. Trong khi nhiều con cái đạt tuổi "bát thập cổ lai hy" thì người ta mới tìm ra 1 con đực duy nhất sống qua tuổi 50. Hơn nữa, loài cá này còn là một trong số ít các động vật có vú trải qua tình trạng mãn kinh ở tuổi xế chiều.
Có một sự chênh lệch rất lớn về tuổi thọ giữa cá voi sát thủ đực và cái.
Các nhà khoa học đã dành thời gian nghiên cứu, và phát hiện ra rằng cá voi sát thủ cái là những người bà tận tụy nhất đại dương.
Trải dài từ các vùng cực đến Xích đạo, các "hung thần" đại dương sống trong các nhóm gia đình gắn bó với nhau lên tới 40 cá thể. Những kẻ săn mồi đỉnh cao này hợp tác với nhau để săn nhiều loại con mồi, nạn nhân bao gồm cả các con cá voi lớn hơn nhiều hoặc cá thường.
Theo quan điểm của loài người hiện đại tại một số nền văn hóa, có lẽ cá voi sát thủ cả đực và cái là những kẻ không bao giờ chịu trưởng thành, khi chúng cả đời ở bên cha mẹ, họ hàng, không thèm tự lập và đi kiếm bạn tình bên ngoài nhằm ngăn chặn "hôn nhân cận huyết".
Cá voi sát thủ cái ngừng sinh sản vào khoảng 40 tuổi và có thể sống đến 90, trong khi những con đực có xu hướng sống khoảng 50 năm đổ xuống.
Hiện tượng ngừng sinh sản do mãn kinh là một câu hỏi vô cùng thú vị với giới đam mê sinh học suốt hàng thế kỷ. Khúc mắc đặt ra là, mặc dù phụ nữ (hay trong bài viết này là cá voi sát thủ cái) có sẵn tuổi thọ lớn hơn nam giới rồi, nhưng lại có thêm vài chục năm không thể sinh con đẻ cái, trong khi đàn ông (và cá voi sát thủ đực) vẫn có thể sinh sản tới tận lúc qua đời?
Đa phần giống cái ở động vật có vú luôn phải trả cái giá đắt hơn nhiều khi sinh sản
Một vài giả thuyết phổ biến là, chính việc mãn kinh ở cá voi sát thủ cái khiến cho chúng không phải cạnh tranh nguồn lực cho đến tận cuối đời mà có thể dành phần thời gian "tuổi già" hướng dẫn, bảo vệ con cháu. Hơn nữa, đa phần giống cái ở động vật có vú luôn phải trả cái giá đắt hơn nhiều khi sinh sản. Cụ thể là rủi ro sức khỏe, kiệt quệ tinh thần, thể chất cho cả mẹ và đứa con.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cũng phát hiện vai trò to lớn của người bà trong chính xã hội loài người, khi ở các cộng đồng săn bắt hái lượm và tiền công nghiệp, những đứa trẻ vẫn còn bà có khả năng sinh tồn cao hơn nhiều.
Để xác nhận hiện tượng tương tự ở cá voi sát thủ, nhóm của Dan Franks - nhà sinh thái học tiến hóa ở Anh, đã dày công phân tích dữ liệu 40 năm về 2 nhóm cá voi sát thủ ngoài khơi bang Washington - Mỹ và British Columbia - Canada.
Sau hàng thập kỷ theo chân những đàn cá voi sát thủ ở Tây Bắc Thái Bình Dương này, các nhà khoa học biết được rằng cá voi sát thủ vẫn sống với mẹ khi trưởng thành, nhưng đặc biệt hơn nữa là gia đình chúng còn sống với bà nữa. Cá voi sát thủ bà có vai trò đặc biệt quan trọng trong xã hội mẫu hệ của những "hung thần" đại dương.
Cụ thể, những "em bé" cá voi sát thủ sống với bà có tỉ lệ sinh tồn cao hơn hẳn. Chưa kể, khả năng "về chầu ông bà" của chúng lại cao đột biến trong vòng 2 năm sau khi bà chúng qua đời.
Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho rằng chế độ mẫu hệ giúp cá voi bà sở hữu rất nhiều kiến thức sâu xa về đại dương, cũng như bí mật về những nguồn thức ăn dồi dào cho con cháu.
Theo Dan Franks "Kiến thức sâu rộng cũng như tài năng lãnh đạo của cá voi sát thủ bà giúp ích rất nhiều cho các cháu, nhất là trong những giai đoạn khó khăn".
Franks nói rằng, cá voi sát thủ sau mãn kinh có khả năng dành nhiều nguồn lực hơn cho các cháu của nó, điều này khiến cho sự ra đi của các "cụ bà" trở nên đặc biệt bi thảm - vai trò của cá đực trong loài này vẫn chưa được tìm hiểu kỹ.
Cá voi sát thủ sau mãn kinh có khả năng dành nhiều nguồn lực hơn cho các cháu của nó.
Rủi ro cũng cao nhất khi dân số quần thể cá hồi (thức ăn của chúng) ở mức thấp hoặc trung bình, điều này cho thấy cá bà hữu ích nhất trong thời kỳ khan hiếm thức ăn.
Franks cũng cho biết thêm cá voi bà sẽ tìm kiếm nguồn thức ăn và chia sẻ nó cho các cháu. Thậm chí, các nhà khoa học suy đoán vai trò của nó còn quan trọng hơn nhiều, nhưng chúng ta đang mất dần cơ hội nghiên cứu những sinh vật tuyệt diệu này bởi chính hành động tàn phá thiên nhiên của con người.