Các chất hoá học độc hại có thể gây bệnh di truyền

  •  
  • 1.410

Theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Washington, Hoa Kỳ, thì các chất đã từng gây nhiễm độc cho các thế hệ trước trong gia đình có thể sẽ tiếp tục gây hại cho sức khoẻ hiện tại của các thế hệ sau này.

Nhóm nghiên cứu này đã đưa ra những bằng chứng cho thấy một số chất độc gây hại tử cung có thể sẽ gây nên những căn bệnh di truyền ở các thế hệ sau.

Nghiên cứu được tiến hành trên chuột cho rằng các chất độc gây ô nhiễm môi trường do chính con người tạo ra có thể làm rối loạn hoạt động của gien và làm tăng nguy cơ bị mắc các bệnh di truyền ít nhất là 4 thế hệ trở đi. Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí Science.

Nguồn: agroprofesional
Các nhà khoa học đã tiến hành cho các con chuột đang mang thai tiếp xúc với 2 loại chất hoá học dùng trong nông nghiệp khi bào thai đang trong giai đoạn hình thành giới tính. Loại chất thứ nhất có tên là Vinclozolin (Có tác dụng diệt nấm, thường được dùng trong các vườn nho), và loại chất thứ 2 có tên là Methoxychlor (Một loại thuốc trừ sâu). Cả 2 chất này đều gây tác động tới chức năng thông thường của hoocmôn sinh sản.

Kết quả là những con chuột đực được sinh ra từ những con chuột đã tiếp xúc với 2 loại chất này đều có số lượng tinh trùng và khả năng sinh sản thấp. Khi cho những con chuột ở thế hệ này giao phối với những con chuột cái khác không bị ảnh hưởng bởi 2 loại chất trên thì những con chuột đực sinh ra vẫn có những hiện tượng bất thường tương tự như thế hệ cha của chúng. Hiện tượng này kéo dài ít nhất là 4 thế hệ tiếp theo và làm suy giảm khả năng sinh sản của hơn 90% các con chuột đực ở mỗi thế hệ.

Các nhà khoa học đã tiến hành phân tích và kết luận rằng nguyên nhân của hiện tượng này không phải là do những biến đổi trong mật mã di truyền mà trong hoạt động của gien. Những thay đổi mang tính chất "biểu sinh" này là do các chất hoá học nhỏ gây nên. Chúng bám vào DNA và làm biến đổi hoạt động của nó. Từ lâu người ta đã biết đến những biến đổi dạng này nhưng không biết chúng có khả năng di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

"Đầu mối" của các bệnh ung thư

Tiến sĩ Michael Skinner, trưởng nhóm nghiên cứu tin tưởng rằng những biến đổi này có thể là một trong những nguyên nhân gây bệnh ung thư vú hay ung thư tiền liệt tuyến. Theo ông thì 2 loại ung thư này đang ngày càng phổ biến và nguyên nhân không chỉ là do biến đổi gien.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những phát hiện này là bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với các yếu tố môi trường độc hại có vai trò rất quan trọng trong quá trình tiến hoá của loài người. Quá trình tiến hoá này có lẽ không chỉ bị chi phối bởi hiện tượng biến đổi gien như chúng ta vấn thường nghĩ.

Tiến sĩ Skinner cho biết thêm: "Những kết quả này đã mở ra một hướng tiếp cận mới đối với các loại bệnh. Tôi tin tưởng rằng chúng sẽ được công nhận rộng rãi và sẽ trở thành cơ sở chính giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các căn bệnh nguy hiểm hiện nay cho dù vẫn cần phải nghiên cứu thêm để khẳng định chắc chắn hơn".

Trong nghiên cứu này thì tỷ lệ các chất hoá học mà các con chuột thí nghiệm phải tiếp xúc cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ thực tế con người phải hứng chịu hiện nay. Hơn nữa vẫn cần phải tiến hành những nghiên cứu khác nữa mới có thể kết luận liệu hiện tượng tương tự có xảy ra với tỷ lệ chất hoá học độc hại thấp hơn hay không. Tuy nhiên, dù sao thì những phát hiện này cũng mở ra những cách nhìn mới trong giới khoa học và y học.

Theo VTV
  • 1.410