Các cơn bão năm nay có sức tàn phá hơn những năm trước?

  •  
  • 350

Mùa bão Đại Tây Dương 2018 đã đến, những cơn bão đầu mùa có thể là dấu hiệu cho thấy bão năm nay sẽ mạnh hơn nhiều.

Năm ngoái, cơn bão Harvey đổ bộ vào miền nam bang Texas của Mỹ, gây ra lũ lụt nghiêm trọng ở thành phố Houston. Tiếp theo đó, bão Maria trở thành cơn bão mạnh thứ 10 trong lịch sử Đại Tây Dương, nó tàn phá Puerto Rico và nhiều hòn đảo khác ở vùng biển Ca-ri-bê.

Cơ quan Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia (Mỹ) hàng năm đều có dự báo về mùa bão, và bản dự báo cho năm 2018 này nhận định khả năng lên đến 75% là hoạt động bão năm nay sẽ ở mức trung bình và trên trung bình. 70% khả năng sẽ có từ 10 đến 16 cơn bão nhiệt đới được đặt tên và có sức gió xấp xỉ 63km/h trở lên. Trong số đó, sẽ có khoảng 5 đến 9 cơn mạnh dần thành bão, và từ 1 đến 4 cơn bão này sẽ trở thành siêu bão (cấp độ 3 và mạnh hơn).

Vậy chính xác thì tình hình mùa bão năm nay sẽ ra sao? Các cơn bão sẽ mạnh hơn, nhiều hơn và tàn phá nhiều hơn do hậu quả của biến đổi khí hậu chăng? Chúng ta có thể dự báo tốt hơn địa điểm và thời gian có bão không? Dưới đây là nhận định của ông Denise Chow - Giáo sư ngành khoa học khí quyển của Viện Công nghệ Masachusette (MIT) - về mùa bão năm nay.

Thời điểm dự báo mùa bão

Các dự báo viên dựa vào các tài liệu dự báo cũng như kiến thức khoa học về các hình thái khí hậu của Đại Tây Dương. Họ đặc biệt lưu ý đến sự xuất hiện hoặc vắng mặt của hiện tượng El Nino (tình trạng ấm lên theo chu kì của mặt nước biển). Vào khoảng tháng Năm, các dự báo viên đã có thể dự báo cuối mùa hè hoặc đầu mùa thu năm đó sẽ có El Nino hay La Nina (tình trạng nhiệt độ nước biển thấp hơn bình thường theo chu kì). Hai hiện tượng này ảnh hưởng đến các cơn bão, cụ thể là El Nino sẽ triệt tiêu bão trên Đại Tây Dương.

Dự báo viên cũng theo dõi các kiểu dự báo theo mùa khác, ví dụ: nhiệt độ nước sẽ cao hơn hay thấp hơn mức trung bình, liệu Đại Tây Dương sẽ có gió đứt hay không.

Kể từ năm 1995 trở lại đây, bão Đại Tây Dương ngày càng mạnh hơn.
Kể từ năm 1995 trở lại đây, bão Đại Tây Dương ngày càng mạnh hơn.

Ngày nay nước ở Đại Tây Dương ấm hơn so với những năm 80 của thế kỷ trước. Nguyên nhân có thể là do tình trạng ấm lên toàn cầu, nhưng cơ bản là trong khí quyển hiện nay có ít son khí sun-phát (sulphate aerosol) hơn so với thời đó.

Đốt nhiên liệu hóa thạch và đốt/ hoặc cháy rừng gây ra một hậu quả là các phần tử trong khí quyển vốn phản xạ ánh sáng mặt trời để giữ cho bề mặt hành tinh chúng ta được mát mẻ thì nay bị mất đi. Vào cuối những năm 80, các phần tử này bắt đầu mất dần do Đạo luật Làm sạch Không khí (của Mỹ) và các hành động tương tự ở châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới. Những son khí này gây hại cho sức khỏe, nhưng mặt khác việc làm sạch chúng lại có tác dụng phụ là khi Trái Đất không còn mát mẻ nữa thì các đại dương bắt đầu ấm lên, và như vậy tạo điều kiện cho các cơn bão quay trở lại và cường độ tăng dần.

Tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu đối với các cơn bão

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) đang tiến hành đánh giá tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu đối với các cơn bão. Một trong số những kết quả đánh giá được các nhà khoa học nhất trí cao là mỗi cơn bão đều mang theo một lượng mưa dồi dào hơn trước. Nguyên nhân rất đơn giản, đó là khí quyển ấm hơn thì chứa nhiều hơi nước hơn. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định tới đây sẽ có nhiều cơn bão kiểu như bão Harvey từng gây ngập lụt dữ dội.

Một điều không cần phải bàn cãi nữa là mực nước biển đang dâng lên và gần như chắc chắn là sẽ tiếp tiếp tục dâng. Kẻ hủy diệt khủng khiếp nhất trong các cơn bão chính là sóng bão, nó chính là nguyên nhân của trận lụt ở New Orleans trong cơn bão Katrina và lụt lội ở New York trong siêu bão Sanday. Kể cả khi các cơn bão có không thay đổi thì sóng bão vẫn cứ cao hơn, mạnh hơn do mực nước biển dâng, và trở nên nguy hiểm hơn nhiều.

Một đánh giá khác cũng được sự đồng thuận mạnh mẽ của giới khoa học, đó là chúng ta sẽ chứng kiến những trận bão mạnh hơn nhiều. Lý giải cho điều này chính là lý thuyết về giới hạn tốc độ tối đa, khi toàn hệ thống khí hậu ấm lên thì giới hạn tốc độ cũng tăng lên.

Vẫn còn nhiều khả năng khó lường

Cho dù các bằng chứng về biến đổi khí hậu, về mức độ dữ dội của mùa bão là khá nhiều và thuyết phục, nhưng không phải không có những khả năng khác. Một trong những vấn đề đó là chúng ta biết rằng lĩnh vực cổ khí hậu học (nghiên cứu về khí hậu của các thời kì lịch sử trước đây) cho thấy hệ thống khí hậu có thể thay đổi đột ngột theo những cách mà các mô hình nghiên cứu ngày nay không thể dự báo được và chúng ta vẫn chưa thể hiểu được vì sao xảy ra những thay đổi đó.

Khi nói về hiện tượng ấm lên toàn cầu, thì khả năng hệ thống khí hậu hiện nay đột nhiên chuyển sang tình trạng hoàn toàn khác vẫn khiến các nhà khoa học lo ngại. Chúng ta không có cách nào để biết liệu sự thay đổi đột ngột đó có xảy ra nữa hay không, hay là có thể dự báo nó hay không, mà chỉ biết rằng nó đã từng xảy ra trong quá khứ và chúng ta không hề biết gì thêm cả.

Sự biến đổi đột ngột của hệ thống khí hậu là gì?

Vào giữa kỉ băng hà, đã có 1.000 năm nhiệt bất ngờ tăng lên sau đó lại giảm xuống như cũ. Băng tuyết đột ngột tan trong kỉ băng hà nhưng hiện tượng đó kéo dài không lâu xét về mặt địa chất học. Và chúng ta hoàn toàn không hiểu biết gì về hiện tượng đó.

Trong quá khứ còn xảy ra nhiều hiện tượng khác nữa. Hơn 50 triệu năm trước đây, trong một thời kì hành tinh chúng ta cực kì ấm và không hề có tí băng tuyết nào, ngoại trừ có thể ở một vài đỉnh núi rất cao. Nhiệt độ khi đó đột ngột tăng vọt và rồi cũng giảm xuống rất nhanh. Nó được gọi là thời kì Cực đại nhiệt cổ thủy tân (EPTM). Chúng ta không biết vì sao nó xảy ra, nên cũng không thể dựa vào đâu để dự đoán điều gì có thể xảy ra trong tương lai.

Một hiện tượng nữa đã xảy ra vào những năm 50 cũng khiến các nhà khoa học đau đầu. Có thể tạm gọi là hiện tượng suy yếu nhiệt đới ở vùng Vịnh Tây Mê-hi-cô. Tối hôm trước một cơn gió bão nhẹ bắt đầu biểu hiện của nó là phải hai ngày sau mới đổ bộ lên đất liền, nhưng chỉ sáng hôm sau nó đã trở thành cơn siêu bão (cấp độ 3). Đó là cơn bão Audrey. Mọi người không nhớ nhiều về nó vì đã khá lâu rồi, nhưng nó đã làm 600 người thiệt mạng. Các dự báo viên khi đó hoàn toàn bó tay. Người ta không có thời gian sơ tán. Đó là một trường hợp khủng khiếp, và Giáo sư Denise Chow đã ghi trong một tài liệu nghiên cứu năm ngoái của ông là hiện tượng ấm lên toàn cầu thực sự tiềm tàng khả năng dẫn đến những sự kiện cực đoan tương tự.

Cập nhật: 06/06/2018 Theo Dân Trí
  • 350