Theo thông tin đăng tải trên tạp chí Tự nhiên (Nature, Anh) ngày 22/7, các nhà khoa học Mỹ, Thụy Điển và Trung Quốc đã nghiên cứu thành công giống lúa giàu tinh bột nhưng lại thải ra ít khí metan hơn, góp phần hướng tới 2 mục tiêu vừa tạo nguồn lương thực dồi dào, vừa hạn chế được tình trạng Trái Đất nóng lên.
Hoạt động canh tác lúa nước dù tạo nguồn lương thực lớn cho hàng tỷ người song cũng là một trong những nhân tố sản sinh ra khí metan - một chất khí có khả năng làm biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các cánh đồng lúa thường thải trung bình từ 25-100 triệu tấn khí này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Mặc dù metan tồn tại trong bầu khí quyển với một khoảng thời gian ngắn hơn khí carbon dioxide (CO2), tác nhân lớn nhất gây hiệu ứng nhà kính, nhưng chất khí này lại gây cản trở quá trình tỏa nhiệt của bề mặt Trái Đất.
Vì vậy, nếu mở rộng diện tích canh tác lúa thì sẽ tạo ra mối đe dọa lớn hơn đối với hành tinh.
Trước thực tế đó, các nhà khoa học cho rằng cần nghiên cứu các công nghệ bền vững để có thể vừa tăng sản lượng lúa gạo, mà vẫn hạn chế được lượng khí metan từ các diện tích canh tác thải ra bầu khí quyển.
Nhận thức được điều này, họ đã bắt tay vào nghiên cứu giống lúa mới SUSIBA 2 bằng cách cấy ghép thêm một gen của giống lúa mạch vào cây lúa thông thường.
Qua quá trình gieo trồng trong vòng 3 năm tại cánh đồng thử nghiệm ở Trung Quốc, các nhà khoa học nhận thấy diện tích canh tác giống lúa này không chỉ cho lượng tinh bột lớn hơn mà còn giảm đáng kể lượng phát thải khí metan.
Nhà khoa học Paul Bodelier của Viện Nghiên cứu Sinh thái học Hà Lan, đánh giá nghiên cứu nói trên là một bước đột phá.
Tuy nhiên, ông này cho rằng cần có những nghiên cứu đánh giá thêm liệu giống lúa này có thể cho năng suất bền vững hay không để đáp ứng nhu cầu lương thực của nhân loại./.