Các nhà khoa học ở 2 trường đại học nổi tiếng của Mỹ là Harvard và MIT cho biết, họ có thể sử dụng kĩ thuật di truyền tách DNA bị lỗi trong bộ gene của con người để chữa bệnh béo phì. Nếu cách này thành công, trong tương lai người ta có thể tìm ra một cách chữa bệnh béo phì chỉ bằng cách tiêm ngừa vắc-xin, bởi các nhà khoa học ở Harvard và MIT công bố họ phát hiện ra rằng một tinh chỉnh nhỏ trong DNA có thể khiến sự trao đổi chất của cơ thể đốt cháy mỡ dư thừa thay vì để chúng tích tụ trong cơ thể.
Xưa nay mọi người đều biết béo phì là do ăn nhiều nhưng ít vận động, năng lượng dư thừa sẽ được chuyển hóa thành mỡ và tích tụ trong cơ thể. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chất béo được cơ thể sử dụng làm năng lượng hay là tích trữ lại. Những người có chỉ số BMI cao hơn bình thường thông thường sẽ có một biến thể gen FTO, được các nhà khoa học gọi là "gene béo phì".
Theo Wikipedia: "Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng. Thường thường một người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, cân nặng của họ dao động trong giới hạn nhất định, dựa theo chỉ số BMI (body mass index)".
Mới đây, các nhà nghiên cứu của Harvard và MIT phát hiện ra rằng "gene béo phì" nằm giữa và "kích hoạt" 2 gene khác (gồm IRX3 và IRX5), nó sẽ ngăn chặn chất béo bị cơ thể đốt trong một quá trình gọi là "sự sinh nhiệt". Điều quan trọng hơn, họ cho thấy có thể cắt những gene bị lỗi đó ra bằng kĩ thuật gene và thay thế vào đó gene khỏe mạnh. Nhờ cách này, các nhà khoa học tin rằng họ có thể chữa, thậm chí là ngăn ngừa được bệnh béo phì giống như chúng ta tiêm vắc-xin phòng bệnh, từ đó con người không còn lo lắng tới chế độ ăn giàu chất béo sẽ gây dư thừa mỡ nữa.
Liệu pháp chữa béo phì có tên gọi là Crispr/Cas9, các nhà khoa học chỉnh sửa DNA trong gene của chuột bằng cách cấy một protein biến đổi (Cas9) vô cơ thể chúng. Những con chuột bị béo phì được thí nghiệm cho kết quả giảm cân rõ rệt và không bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn giàu chất béo. Họ đang nghiên cứu đem liệu pháp này lên áp dụng trên con người.
Biết được nguyên nhân cơ bản của biến thể gene gây béo phì có thể cho phép chúng ta tìm ra liệu pháp chỉnh sửa gene như một cách trị liệu căn bệnh này. Bằng cách điều chỉnh gene, chúng ta có thể khiến quá trình tích tụ năng lượng thành mỡ trở thành việc cơ thể đốt cháy chúng để tạo ra năng lượng. Giáo sư Manolis Kellis ở MIT cho biết.
Ở các nước phát triển, ví dụ tại Anh, có tới 25% người trưởng thành bị béo phì (tương đương với 12 triệu người). Con số này của những năm 1970 chỉ có 3%. Dự kiến tới năm 2030 có tới gần 1/3 người trưởng thành ở Anh sẽ bị béo phì và tăng lên hơn 50% trong năm 2050.
Béo phì là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm sức khỏe con người, nó dẫn tới những căn bệnh khác như suy tim, đột quị, bệnh tiểu đường và một số bệnh ung thư. Hàng năm ở Anh tốn khoảng 5 tỷ bảng Anh để chữa béo phì và dự kiến sẽ tăng lên tới 50 tỷ bảng vào năm 2050.