Làm thế nào để các nhà làm phim quay được cảnh sư tử tấn công để săn mồi, sự tụ họp của những con đười ươi trên cây hay màn săn mồi của một con rắn độc… mà không bị tấn công hoặc làm chúng sợ hãi?
Bạn yêu thích những thước phim sinh động về các loài động vật hoang dã trên các chương trình truyền hình, và đã không ít lần tự đặt ra câu hỏi các nhà làm phim đã quay lại những thước phim này như thế nào?
Các nhiếp ảnh gia và nhà quay phim về động vật hoang dã đã phải kết hợp rất nhiều yếu tố khác nhau, từ các thiết bị tiên tiến, kinh nghiệm của bản thân, đến sự kiên nhẫn, kiến thức cá nhân, nghiên cứu kỹ về các loài động vật và cả ý thức chung để giữ an toàn khi thực hiện những thước phim khó quên về những loài động vật hoang dã, bao gồm cả những loài vật nguy hiểm nhất hành tinh.
Mặc dù trở thành nhiếp ảnh gia hoặc quay phim về thiên nhiên hoang dã là một nghề đầy thử thách, dễ gây nản lòng và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng có rất nhiều chiến lược và yếu tố để giữ an toàn cho người săn ảnh và cả các loài động vật.
Dưới đây là một vài quy tắc mà các nhiếp ảnh gia hoặc quay phim động vật hoang dã luôn cần phải nắm rõ để giữ được an toàn:
Có lẽ chiến lược tốt nhất để đảm bảo được an toàn là giữ khoảng cách với các loài động vật hoang dã và mang theo ống kính zoom tốt để có thể chụp và quay được những bức ảnh đẹp, video từ một khoảng cách an toàn.
Sử dụng những ống kính zoom chuyên dụng giúp nhiếp ảnh gia có thể giữ khoảng cách an toàn với động vật.
Hầu hết camera của các điện thoại thông minh và ngay cả các máy ảnh compact cơ bản không có khả năng zoom ấn tượng làm hình ảnh bị mờ hoặc giảm chất lượng khi crop ảnh. Tuy nhiên, các nhà làm phim làm việc cho các chương trình truyền hình nổi tiếng như Blue Planet hay Planet Earth lại được trang bị những thiết bị tốt nhất với ống kính zoom 400mm hoặc thậm chí là 800mm, giúp họ có thể chụp rõ nét mặt một chú voi con từ hàng chục, thậm chí hàng trăm mét.
Để có được những bức ảnh chân thực và gần gũi trong khung cảnh hoang dã, điều tối quan trọng là không quấy rầy các loài động vật ở đó hoặc không làm chúng thấy khó chịu vì sự hiện diện của con người.
Ngay cả khi mua chiếc máy ảnh xịn nhất với khả năng zoom tốt để chụp ảnh hoặc quay phim động vật hoang dã, chưa chắc bạn đã có thể chụp được những bức ảnh hoặc quay được thước phim đẹp nhất. Phải biết chính xác về loài động vật mình muốn chụp, nơi chúng sống, thời điểm chúng hoạt động và cách chúng sinh hoạt để tối ưu hóa việc chụp ảnh của mình. Nhiều nhà làm phim giỏi đã hợp tác với các nhà khoa học và chuyên gia để làm quen, hiểu rõ về đối tượng cần chụp.
Nếu một nhiếp ảnh gia có thể hiểu được sự di chuyển hoặc di cư theo chu kỳ của các động vật, họ có thể chọn một vị trí lý tưởng để đợi loài vật đó đi qua và quan sát để có những bức ảnh tốt. Chiến lược này có thể áp dụng cho mọi hệ sinh thái và hoàn cảnh, nếu cảm thấy chưa quen thuộc với một loài vật nào đó, các nhiếp ảnh gia và nhà quay phim phải dành nhiều thời gian và công sức hơn để có những bức ảnh hoàn hảo, hoặc chỉ có thể ngồi chờ và hy vọng vào may mắn.
Các nhiếp ảnh gia và nhà quay phim giỏi nhất đều rất kiên nhẫn và bình tĩnh, họ thường đợi vài ngày hoặc vài tuần chỉ để có cơ hội duy nhất ghi lại một điệu nhảy giao phối hiếm có, một trận chiến giành lãnh thổ, một buổi săn mồi hay một sự chào đời của các loài động vật hoang dã.
Kiên nhẫn không chỉ giúp nhiếp ảnh gia chụp được những khoảnh khắc đẹp, mà còn giữ được an toàn
Kiên nhẫn không phải là sở thích dành cho những người tìm kiếm sự hài lòng tức thì, nhưng nó sẽ giúp cả đội quay giữ được sự an toàn. Đi quá xa vào lãnh thổ của các loài vật, cố gắng gây chú ý hoặc xâm phạm đời sống của chúng trong những thời điểm đặc biệt sẽ dẫn đến nguy hiểm cho cả hai bên. Thiên nhiên khó có thể đoán trước được, vì vậy kiên nhẫn là quy luật mà những người chuyên nghiệp luôn tuân theo trong những chuyến thám hiểm của mình.
Còn nữa…